Y học và đời sống

Bão giáp trạng nguy hiểm cho sức khỏe như thế nào?

  • Tác giả : Thúy Nga
Khi bão giáp được mô tả lần đầu tiên, tỷ lệ tử vong lên đến gần 100%. Ngày nay, tiên lượng đã được cải thiện rõ rệt nếu việc điều trị thích hợp được bắt đầu sớm.

Các bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, cơn bão giáp trạng, hay cơn cường giáp kịch phát là một tình trạng cấp cứu nguy hiểm tính mạng được đặc trưng bởi sự xuất hiện kịch phát của các biểu hiện ngộ độc giáp. Khi bão giáp được mô tả lần đầu tiên, tỷ lệ tử vong lên đến gần 100%.

Ngày nay, tiên lượng đã được cải thiện rõ rệt nếu việc điều trị thích hợp được bắt đầu sớm. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong vẫn còn khoảng 20%.

Cơn bão giáp trạng phát triển như thế nào?

Một số tác nhân gây cơn bão giáp gồm:

- Sau phẫu thuật tuyến giáp, chấn thương, stress, cảm xúc.

- Bệnh nhân cường giáp không được điều trị, hoặc điều trị không đầy đủ lại bị thêm stress, nhiễm trùng như: viêm não, viêm màng não, các nhiễm trùng khác; hoặc bệnh nặng trầm trọng, thai độc, sinh con, sờ nắn tuyến giáp nhiều…

- Ở một số bệnh nhân nhạy cảm, sự gia tăng hormone trong máu do ngưng thuốc kháng giáp sớm, do sử dụng I131, các thuốc có chứa iod, dùng hormone giáp quá liều.

Cơn bão giáp trạng là gì mà tỷ lệ tử vong gần 100% - Ảnh minh họa

Cơn bão giáp trạng là gì mà tỷ lệ tử vong gần 100% - Ảnh minh họa

Biểu hiện lâm sàng của cơn bão giáp trạng là gì?

- Sốt (> 39 độ C) là biểu hiện thường gặp.

- Nhịp tim nhanh và thở nhanh cũng thường gặp, nhưng huyết áp thường dao động. Các loạn nhịp tim, suy tim xung huyết và các triệu chứng thiếu máu cơ tim cục bộ có thể phát triển.

- Buồn nôn, nôn, tiêu chảy và đau bụng thường gặp.

- Các triệu chứng thần kinh trung ương bao gồm tăng động, loạn thần và hôn mê.

- Bướu giáp là một dấu hiệu hữu ích nhưng không phải khi nào cũng thấy.

Một ca bệnh điển hình được chẩn đoán có nguy cơ gặp cơn bão giáp

Bệnh nhân T.Đ.X (69 tuổi, Hải Phòng) được chẩn đoán Basedow – biến chứng mắt 06 tháng tại Bệnh viện Bạch Mai. Ngoài ra, bệnh nhân còn mắc đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid, suy tim.

Bệnh nhân có khám định kỳ và dùng thuốc theo đơn của Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Tuy nhiên, đến khi nhập viện tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bệnh nhân đã hết thuốc 20 ngày và không đi khám lại, cũng không dùng thuốc.

Cách vào viện 04 ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt 38-39 độ C, kèm theo ho khạc đờm trắng đục, điều trị tại Bệnh viện tuyến huyện 03 ngày không rõ chẩn đoán và điều trị, tình trạng không đỡ.

Bệnh nhân vẫn còn sốt cao 39,5 độ C, mệt mỏi nhiều, tức ngực, khó thở, ho nhiều hơn, nên đến khám tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương và được chỉ định nhập viện.

Tại đây, bệnh nhân được làm các xét nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng, kết quả cho thấy: nhịp xoang nhanh, có tăng áp lực động mạch phổi, tăng tốc độ dòng chảy động mạch giáp 2 bên, tổn thương giảm âm 2 thùy tuyến giáp.

Các bác sĩ khuyến cáo, trường hợp tự ý bỏ thuốc điều trị Basedow dẫn đến rất nhiều hậu quả nghiêm trọng, bệnh nhân trên có thể gặp phải cơn bão giáp trạng, với nguy cơ tử vong rất cao. Nên việc khám và dùng thuốc định kỳ theo chỉ định của bác sỹ là rất quan trọng.

Thúy Nga