Chuyển động

Báo động an ninh nguồn nước

  • Tác giả : Hồng Nhung
(khoahocdoisong.vn) - Tại Hội nghị giải trình về an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, trong khoảng 20 - 30 năm tới nhiều địa phương sẽ thiếu nước nghiêm trọng, đặc biệt là cho sản xuất nông nghiệp. Do vậy, đầu tư cho thủy lợi vẫn là hướng quan tâm dài hạn nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Năng lực khai thác của công trình thủy lợi còn thấp

 Tại Việt Nam, theo ghi nhận của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, trữ lượng nước ở các tỉnh vẫn tương đối dồi dào. Tuy nhiên, lượng nước phân bố không đều theo thời gian và không gian. Đặc biệt, ở các tỉnh Nam Trung bộ, đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian 5 năm trở lại đây có tình trạng thiếu nước do hạn hán, nắng nóng kéo dài; lũ thấp và muộn, mực nước các sông thấp...

Có một số yếu tố ảnh hưởng đến trữ lượng, an ninh nguồn nước như lượng nước biến động theo mùa, theo vùng; lưu lượng dòng chảy thay đổi nhiều trong năm, hay do tác động biến đổi khí hậu và nước biển dâng nên lượng nước của nhiều sông hiện đang giảm ở mức thấp nhất trong 30 - 40 năm trở lại đây.

Những nguyên nhân này đang tạo ra các hiện tượng xâm mặn, hạn chế thoát lũ, ảnh hưởng tới hoạt động của công trình thủy lợi.

Bên cạnh đó, nguồn mặt sản sinh trong lãnh thổ Việt Nam chỉ chiếm 37% tổng lượng nước mặt của quốc gia, số còn lại là từ dòng chảy của các con sông bắt nguồn từ bên ngoài lãnh thổ. Lượng nước này hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động khai thác, sử dụng tại các quốc gia ở thượng nguồn.

Hiện ở một số địa phương, chất lượng nước bị suy giảm đáng báo động do ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt thải trực tiếp ra nguồn nước, chất thải từ các khu công nghiệp và ô nhiễm nguồn nước ngầm. Thực tế chỉ 12,5% nước thải sinh hoạt của các đô thị loại IV được xử lý, thu gom đạt tiêu chuẩn, số còn lại đều xả ra nguồn nước. Khu vực nội thành Hà Nội mỗi ngày xả ra 500.000m3, trong đó có 100.000m3 nước thải ra từ các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, bệnh viện… nguồn nước này đều được chảy qua sông Nhuệ. Qua khảo sát từ 3 con sông: sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch đều ô nhiễm nặng.

Trong khi đó, năng lực khai thác của công trình thủy lợi còn thấp so với nhu cầu sử dụng. Theo thống kê, hiện có gần 7.000 đập, hồ thuỷ lợi, thuỷ điện đã được xây dựng và vận hành. Tuy nhiên phần nhiều các hồ, đập này đã lạc hậu, xuống cấp, hư hỏng. Mức tích nước của nhiều hồ chứa còn thấp, ở các hồ chứa lớn chỉ đạt 40 - 67% so với mức thiết kế; các hồ chứa nhỏ chỉ ở mức 30%..

Các công trình thủy điện có tổng công suất lắp đặt lên tới 20.568MW, chiếm 37% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện quốc gia. Các công trình thủy điện này có tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3 chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa. Các công trình này có góp phần cắt giảm, làm chậm lũ cho hạ du, giảm thiểu thiệt hại do lũ gây ra; cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất... trong mùa cạn góp phần vào việc bảo đảm an ninh lương thực, trật tự, an toàn xã hội... khu vực hạ du hồ chứa.

Những vấn đề này đã và đang ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước, đặc ra yêu cầu về quản trị, điều tiết, điều hoà hiệu quả nguồn nước từ nơi thừa sang nơi thiếu hay việc tích trữ nước vào mùa mưa đề phòng hạn hán.

Chủ động bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt tưới tiêu

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2045, khi nước ta trở thành nước công nghiệp có trình độ phát triển trung bình, thì phải chủ động được nguồn nước ngọt đáp ứng được tưới tiêu khoa học hiện đại cho trên 11 triệu ha đất canh tác và cho đời sống sinh hoạt của 115 - 120 triệu dân.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, cùng với tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu đã và đang tạo ra những thách thức rất lớn đến an ninh nguồn nước của nước ta.

Hiện tại năng lực cơ sở hạ tầng của chúng ta mới chỉ đáp ứng để khai thác, sử dụng được khoảng 81 tỷ m3/năm (chiếm khoảng 10% lượng nước mặt) cho tất cả các nhu cầu về sử dụng nước. Trong đó, trên 80% được sử dụng cho nông nghiệp (khoảng 65 tỷ m3/năm).

"Trong bối cảnh hiện nay và tương lai sắp tới, dưới tác động của biến đổi khí hậu ngày một cực đoan khó lường; nhu cầu về nước cho phát triển kinh tế, xã hội ngày càng cao; ảnh hưởng quá lớn về nguồn nước từ nước ngoài đã làm cho nhiều vùng quan trọng như Đồng bằng sông Cửu Long đang biến động theo chiều hướng xấu đi và bất lợi rất nhiều so với trước đây", ông Cường nói.

Trong khi đó, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, trong vòng 25 năm tới, đó 2/3 dân số của Việt Nam sinh sống tại ba lưu vực sông lớn: Hồng - Thái Bình, Cửu Long và Đồng Nai. Khi đó, nhu cầu khai thác sử dụng nước của người dân ở các khu đô thị sẽ tăng gấp đôi, tổng nhu cầu về nước vào mùa khô của Việt Nam sẽ gia tăng 32% vào năm 2030, căng thẳng nước sẽ xảy ra nghiêm trọng tại các lưu vực kinh tế trọng điểm (Bắc Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Đồng Nai).

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, an ninh nguồn nước là loại an ninh đặc biệt, tác động đến sự phát triển bền vững của đất nước. Do đó, cần đưa việc đảm bảo an ninh nguồn nước là một lĩnh vực an ninh phi truyền thống và có nghị quyết riêng về đảm bảo an ninh nguồn nước, đặc biệt là đối với nguồn nước có vai trò quan trọng trong việc cấp nước sinh hoạt, sản xuất.

Đồng thời, phải xem nước là hàng hóa đặc biệt, phải thực hiện nguyên tắc thị trường, từng bước tính đúng, tính đủ giá dịch vụ nước sản xuất và sinh hoạt. Đồng thời, thực hiện phương châm 4 tại chỗ: sinh thủy tại chỗ; giữ nước tại chỗ; bảo vệ tại chỗ; điều hành, vận hành, phân phối tại chỗ.

Hồng Nhung