Khoa học & Công nghệ

Bản tin dự báo thời tiết ra đời thế nào?

  • Tác giả : Tô Hội
(khoahocdoisong.vn) - Bản tin dự báo thời tiết chúng ta xem hàng ngày được xây dựng trên nền tảng thu thập dữ liệu quan trắc và phân tích dự báo.

6 giây tự động gửi số liệu một lần

Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn nước ta có 1269 trạm, bao gồm khí tượng bề mặt, bức xạ, đo mưa, khí tượng nông nghiệp, khí tượng cao không, thủy văn và khí tượng thủy văn biển. Các trạm có nhiệm vụ thu thập số liệu rồi gửi về trạm khí tượng thủy văn khu vực, sau đó mới chuyển về Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia để phân tích dự báo.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng phòng Mạng lưới trạm và thông tin khí tượng thủy văn, Đài Khí tượng Thủy văn Đông Bắc cho biết, ở Trạm khí tượng Phù Liễn (Hải Phòng), mỗi ngày đo 8 lần các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm, mây, mưa, gió… mã hóa chuyển về Đài Khí tượng khu vực Đông Bắc, rồi tập hợp của cả khu vực chuyển lên Trung tâm Thông tin và Dữ liệu khí tượng thủy văn của Tổng cục Khí tượng Thủy văn. Sau đó trung tâm dự báo sẽ lấy số liệu để phân tích dự báo. Mỗi ngày có 8 lần cố định chuyển dữ liệu. Ngoài ra hệ thống tự động cứ 6 giây lại chuyển dữ liệu 1 lần về trung tâm. Trạm tự động đo 6 yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió, hướng gió, mưa, khí áp. Từ số liệu đó sẽ đưa ra bản tin dự báo thời tiết.

Để dự báo bão thì phải dựa vào rada thời tiết. Khi có bão, rada sẽ quay quan trắc trong bán kính 400-500km xung quanh để theo dõi liên tục để biết hướng di chuyển của nó. Hệ thống rada này được trang bị ở các khu vực như Phủ Liễn (Hải Phòng), Pha Đin (Điện Biên), Pleiku (Gia Lai), Vinh (Nghệ An), Việt Trì (Phú Thọ), Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa)… Hàng ngày khi không có bão, rada sẽ quan trắc độ dày, độ đậm đặc của mây để từ đó đưa ra dự báo thời tiết hàng ngày như mưa. Độ đậm đặc càng lớn thì độ dày của mây càng cao.

Càng nhiều chỉ số, độ chính xác càng cao

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, mỗi một thành phần trong hệ thống có ưu và nhược điểm khác nhau, bổ sung cho nhau để tạo nên một hệ thống hoàn thiện phục vụ cho những bản tin thời tiết tốt nhất, thực tế nhất phục vụ cộng đồng. Khi có được số liệu cũng như hình ảnh từ những quan trắc viên ở hàng trăm trạm khí tượng trên cả nước thì bộ phận phân tích dự báo làm việc. Thông tin từ các quan trắc viên gửi về sẽ được tách làm 2 bộ phận: một phần thông tin được gửi cho quốc tế, dữ liệu này sẽ được cho vào một kho dữ liệu để dùng chung và do Tổ chức Khí tượng thế giới điều tiết. Phần lớn thông tin còn lại sẽ được chuyển cho trung tâm kỹ thuật để xử lý, hiệu chỉnh sau đó truyền về Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương.

Sau khi có dữ liệu từ trung tâm kỹ thuật, các số liệu này sẽ được đưa vào các mô hình do máy tính tính toán để đưa ra một kết quả hoàn toàn khách quan. Sau đó, những dự báo viên sẽ quyết định thảo luận trên những số liệu có được từ quan trắc, mô hình tính toán của máy tính, dựa vào kinh nghiệm để bàn luận, trao đổi, tranh luận… để cuối cùng phải "chốt" để có bản tin dự báo. Đây là công việc hàng ngày của các cán bộ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. Mỗi bản tin ngắn gọn nhưng là lao động miệt mài của cán bộ khí tượng thủy văn người trên khắp cả nước.

Xác suất chính xác trong hoạt động dự báo thời tiết phụ thuộc ba yếu tố chính: công nghệ, mạng lưới trạm quan trắc và hệ thống xử lý thông tin. Khi có mạng lưới rađa, hệ thống quan trắc tự động dày đặc, phủ kín lãnh thổ, thu thập các dữ liệu thông qua cảm biến được gắn trên các thiết bị như: máy bay, phao cứu sinh trên biển, khí cầu, vệ tinh… thì việc dự báo thời tiết chắc chắn nhanh và chính xác hơn khi không có hoặc ít có số liệu.

Tô Hội

Theo quy định của ngành khí tượng, một ngày các trạm phải thực hiện đủ 4 kỳ quan trắc cố định vào các khung giờ: 1h, 7h, 13h và 19h. Đến đúng khung giờ, quan trắc viên sẽ kiểm tra thiết bị trong vườn khí tượng và ghi chép các số liệu rồi thảo mã, phát báo chuyển dữ liệu về trung tâm. Ngoài ra, càng nhiều số liệu, càng liên tục thì công tác dự báo càng chính xác.

Tô Hội