Chữa bệnh không dùng thuốc

Bấm huyệt tay cắt cơn hen suyễn

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Trên bàn tay có rất nhiều huyệt có hiệu quả kỳ diệu đối với trị bệnh hen suyễn. Biết cách bấm sẽ có tác dụng cắt hoặc giảm các cơn khó thở nhẹ và trung bình.

Hen suyễn là một hội chứng bệnh lý của cơ quan hô hấp mà đặc trưng chủ yếu là khó thở và tiếng đờm khò khè trong họng.Các triệu chứng này đặc biệt thường xảy ra vào ban đêm hoặc sáng sớm.

Các cơn suyễn đi kèm với việc lan rộng và thay đổi của sự tắc nghẽn đường dẫn khí bên trong phổi mà thường là hồi phục tự nhiên hay do điều trị.

Bệnh hen suyễn ở khí quản và hen suyễn ở trẻ em cai sữa đều là do dị ứng. Đây là loại bệnh có liên quan tới thể chất, di truyền. Bệnh này thường phát tác khi đang ngủ, có lúc kéo dài đến vài chục phút, thậm chí đến hàng giờ đồng hồ.

Nếu nặng sẽ dẫn tới tình trạng khó thở. Có rất nhiều yếu tố gây phát tác bệnh này, trong đó gồm nơi ở, phấn hoa, bụi, dị chất trong thực vật, cá thu và sự biến đổi khí hậu như: áp lực không khí, nhiệt độ, độ ẩm...

Biểu hiện của cơn suyễn:

Khò khè: Khò khè và có tiếng rít trong khi thở. Thông thường, bệnh nhân thở ra có tiếng khò khè nhưng đôi khi cũng nghe được tiếng khò khè khi họ hít vào.

Ho: Một số người bệnh ho để cố gắng làm thông đường thở và hít thật nhiều khí ô-xy vào trong phổi. Đặc biệt, hiện tượng này có thể trầm trọng vào ban đêm.

Hơi thở ngắn: Bệnh nhân khi lên cơn hen suyễn thường hụt hơi. Hơi thở của họ ngắn, nông và nhanh hơn bình thường.

Đau thắt ngực: Cơn hen suyễn thường đi kèm với cảm giác thắt ngực hoặc có cơn đau ở bên trái hoặc bên phải.

Hen suyễn là bệnh về thể chất, muốn trị từ gốc cần dành một khoảng thời gian khá dài để cải thiện thể chất. Nhưng khi phát tác, cần sớm điều trị để bệnh nhân yên tâm.

Điều trị

Bấm huyệt có tác dụng cắt hoặc giảm các cơn khó thở nhẹ và trung bình. Trường hợp người bệnh có các cơn khó thở nặng, liên tục, kéo dài nhiều ngày, cần chuyển đến chuyên khoa điều trị cho thích hợp.

Khi bệnh nhân đang lên cơn suyễn, có thể dùng 1 ít dầu cù là, dầu nóng… bôi vào vùng 3 huyệt Định suyễn, Ngoại định suyễn, Suyễn tức. Day bấm cho đến khi da ửng đỏ lên là được.

Trên bàn tay có rất nhiều huyệt có hiệu quả kỳ diệu đối với trị bệnh suyễn, ở đây giới thiệu 3 huyệt có hiệu quả nhất.

Trước hết là điểm Khái suyễn, đây là huyệt đặc biệt có hiệu quả phòng ho suyễn. Khi phát bệnh, hãy kích thích huyệt này. Dùng điếu ngải hơ (cứu). Khi có cảm giác nóng lập tức dịch ra, để một lúc sau lại tiếp tục trị liệu, liên tục khoảng 3 - 5 lần là có thể hạn chế suyễn lên cơn.

Kế tiếp là huyệt Tam gian ở trên gốc ngón tay trỏ mặt mu bàn tay cũng có thể nhanh chóng ngăn chặn phát sinh suyễn, vì huyệt Tam gian chuyên môn ngăn chặn ho kịch liệt khi suyễn phát sinh gây ra. Dùng điếu ngải hơ (cứu). Khi có cảm giác nóng lập tức dịch ra, để một lúc sau lại tiếp tục trị liệu, liên tục khoảng 3 - 5 lần là có thể hạn chế suyễn lên cơn.

Thứ ba là Khu Hô hấp - ngực, phương pháp kích thích là xoa bóp nhẹ toàn bộ vùng này. Thường xuyên xoa bóp có thể tăng công năng hô hấp, phòng suyễn có hiệu quả.

LY. Hoàng Duy Tân (Nguyên Phó chủ tịch Hội Đông y Đồng Nai)

Thúy Nga