Y học và đời sống

Bài thuốc từ chi tử

Chi tử là cây mọc hoang hoặc trồng nhiều nơi ở nước ta và các nước lân cận. Chi tử vị đắng, tính hàn, công dụng thanh nhiệt, lợi thấp, lương huyết. Để làm thuốc dùng quả chi tử, nên chọn quả chín già, mọc ở rừng núi, vỏ mỏng vàng, trong đỏ sẫm, có nhiều hạt thơm, khô, không mốc mọt là tốt. Dưới đây là một số bài thuốc từ chi tử.

Chi tử là cây quen thuộc

*Trị hoàng đản “vàng da” mình nóng: Chi tử, cam thảo, hoàng bá sắc uống ngày 1 thang. Uống trong khoảng 10 ngày sẽ có hiệu quả.
*Trị vàng da thể nhiệt chứng: Chi tử 15 quả, chích thảo 40g, hoàng bá 80g, sắc uống.
*Trị viêm gan vàng da cấp tính do thấp nhiệt, nóng trong ngực, tiểu vàng, tiểu đỏ, vàng toàn thân: Chi tử 16, hoàng bá 12g, cam thảo 4g, sắc uống.
*Trị trẻ nhỏ bị kiết lỵ lâu ngày (mạn tính) do nhiệt: Chi tử 7 quả, đại táo 2 quả, hoàng bá 1,2g, hoàng liên 2g, phàn thạch 2g, tán bột trộn mật làm hoàn ngày 4g.
*Trị đại tiện ra máu tươi: Chi tử (sao cháy đen), tán nhỏ uống 1 muỗng với nước.
*Trị mắt đỏ kèm táo bón: Chi tử 7 quả, dùi lỗ, nướng chín, sắc 3 chén nước bỏ bã, đồng thời cho vào 12g bột đại hoàng uống nóng.
*Trị mũi nổi hột thịt đỏ như mũi sư tử: Chi tử, tang bạch bì, hoàng cầm, cam thảo, cát cánh, ngũ vị tử, can cát, các vị bằng nhau sắc uống.

Tùy theo thể trạng của người bệnh, cũng như tình hình bệnh tật mà gia giảm các vị thuốc sao cho phù hợp. Người bệnh cần đến các phòng khám, thầy thuốc uy tín để được chẩn bệnh và cắt thuốc đúng bệnh sẽ có hiệu quả.

Lương y Chu Văn Tiến

Hội Đông y Vĩnh Tường