Chữa bệnh không dùng thuốc

Bác sĩ mách cách giảm nguy cơ hẹp mạch máu não, phòng đột quỵ

  • Tác giả : BS Nguyễn Xuân Tuấn
Hẹp mạch máu não là nguyên nhân phổ biến gây đột quỵ, khiến não bị chết một vùng hoặc toàn bộ, nguy cơ tàn phế và tử vong cao. Cần biết cách phòng tránh.

Hẹp mạch máu não là tình trạng lòng mạch máu não bị thu hẹp do tổn thương, các mảng xơ vữa hay cục máu đông bít tắc mạch máu. Đây là nguyên nhân phổ biến gây đột quỵ, khiến não bị chết một vùng hoặc toàn bộ, nguy cơ tàn phế và tử vong cao.

Thay đổi lối sống khoa học

Khói thuốc lá chứa nhiều chất độc hại làm tăng nguy cơ viêm, tổn thương mạch máu. Hút thuốc lá còn làm tăng huyết áp, hình thành cục máu đông. Người hút thuốc nên cai sớm, hạn chế hít khói thuốc lá thụ động.

Thường xuyên tập thể dục, ít nhất ba lần một tuần, mỗi lần ít nhất 30 phút góp phần nâng cao sức khỏe tổng thể, hạn chế nguy cơ mắc các bệnh gây hẹp mạch máu não như mỡ máu cao, tiểu đường, tăng huyết áp.

Một số môn thể thao có lợi cho sức khỏe như bơi lội, đạp xe, chạy bộ, tập yoga. Kiểm soát cảm xúc, hạn chế căng thẳng, dành thời gian nghỉ ngơi cũng giúp não khỏe mạnh.

Chế độ dinh dưỡng phù hợp

Ăn ít thực phẩm chứa chất béo, đường, muối, chất gây viêm, chất bảo quản, đồng thời tăng cường rau xanh, trái cây, đậu, các loại cá béo và hạt.

Ưu tiên tự nấu ăn để kiểm soát liều lượng thực phẩm và gia vị, cân đối các nhóm chất dinh dưỡng, tránh nạp nhiều chất có hại.

Uống từ hai lít nước trở lên mỗi ngày giúp phòng tránh mất nước, ảnh hưởng đến lưu thông máu.

Hẹp mạch máu dễ gây đột quỵ - Ảnh minh họa

Hẹp mạch máu dễ gây đột quỵ - Ảnh minh họa

Kiểm soát bệnh nền ảnh hưởng đến mạch máu não

Tăng huyết áp, cholesterol trong máu cao, tiểu đường... làm tăng nguy cơ hẹp mạch máu não dẫn đến đột quỵ.

Người bệnh cần tuân thủ chỉ định điều trị và lịch tái khám của bác sĩ, kiểm soát bệnh tốt. Lưu ý biểu hiện bất thường để xử trí kịp thời, góp phần giảm nguy cơ dẫn tới hẹp mạch máu não.

Khám sức khỏe, tầm soát đột quỵ định kỳ

Một số yếu tố nguy cơ gây đột quỵ cao như tiền sử đột quỵ, tăng huyết áp, cholesterol trong máu cao, bệnh tim, tiểu đường, béo phì, rối loạn chuyển hóa lipid máu...

Bác sĩ khuyến cáo khám sức khỏe tổng quát định kỳ ít nhất 6 tháng một lần để chủ động phát hiện sớm bệnh lý. Tầm soát đột quỵ giúp nhận biết nguy cơ mắc bệnh, trong đó có hẹp mạch máu não, và chủ động phòng ngừa.

Để kiểm tra mạch máu não và các vấn đề khác, bác sĩ chỉ định chụp CT, MRI sọ não và chụp mạch máu não bằng kỹ thuật DSA.

Các chương trình khám sức khỏe tổng quát và tầm soát đột quỵ từ cơ bản đến chuyên sâu, phù hợp cho từng trường hợp.

Nếu phát hiện hẹp mạch máu não, bác sĩ điều trị cho người bệnh bằng can thiệp nội mạch, phẫu thuật, dùng thuốc.

BS Nguyễn Xuân Tuấn (Giảng viên Trường Đại học Y dược, Đại học quốc gia Hà Nội)

BS Nguyễn Xuân Tuấn