Ung thư buồng trứng là khối u ác tính có xuất phát từ một hoặc cả hai buồng trứng. Theo thống kê tỷ lệ mắc bệnh ung thư buồng trứng khoảng 4,6/100.000 phụ nữ. Bệnh có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi tuy nhiên hay gặp nhất là phụ nữ trên 50.
Ung thư buồng trứng là khối u ác tính có xuất phát từ một hoặc cả hai buồng trứng. Các tế bào ung thư là các tế bào bất thường chúng phát triển không theo sự kiểm soát của cơ thể và không tuân theo nhu cầu của cơ thể. Và các tế bào ung thư này có thể xâm lấn và phá hủy các mô, cơ quan xung quanh. Không chỉ vậy chúng có thể di căn tới các cơ quan ở xa trong cơ thể và gây ung thư thứ phát tại cơ quan đó.
Ung thư buồng trứng |
Những đối tượng có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn gồm:
Thừa cân, béo phì
Thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ phát triển nhiều bệnh ung thư, trong đó có ung thư buồng trứng. Bởi vì nhiều lý do như: sự tăng trưởng dư thừa của mô mỡ trong cơ thể, rối loạn hormone, khả năng kháng viêm giảm, sự ảnh hưởng của insulin…
Béo phì và thừa cân cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng bệnh và khả năng sống của người bị ung thư buồng trứng.
Một nghiên cứu của Mỹ đăng tải trên Tạp chí ung thư Mỹ 2016 cho thấy những phụ nữ mắc bệnh béo phì có nguy cơ phát triển bệnh ung thư buồng trứng cao hơn so với những người gầy. Nghiên cứu được tiến hành đối với hơn 94.000 phụ nữ trong khoảng thời gian hơn 7 năm.
Theo đó, những phụ nữ bị béo phì dễ mắc bệnh ung thư buồng trứng, đặc biệt ở những người chưa bao giờ sử dụng liệu pháp thay thế hormone trong thời kỳ mãn kinh. Ở những đối tượng này, nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn 83% so với những người có trọng lượng trung bình.
Vệ sinh vùng kín sai cách
Khi nhắc tới thói quen vệ sinh vùng kín dễ gây bệnh phụ khoa, ung thư buồng trứng, chắc chắn các chị em sẽ nghĩ tới vệ sinh kém. Điều này không hề sai, tuy nhiên, ít ai biết rằng nếu vệ sinh quá mức cũng có thể khiến bạn tự rước bệnh ung thư buồng trứng vào người.
Việc giữ cho vùng kín sạch là rất quan trọng nhưng sạch quá mức thì vừa không cần thiết mà còn gây bệnh. Ví dụ như việc rửa vùng kín quá nhiều lần mỗi ngày, lạm dụng các sản phẩm tẩy rửa, chà sát quá mạnh hay thậm chí là dùng tay cho vào sâu bên trong, thụt rửa âm đạo…
Bởi những hành vi này làm mất cân bằng môi trường âm đạo, tăng căng thẳng oxy hóa trong khoang chậu, gây tổn thương và viêm nhiễm, cuối cùng làm tăng nguy cơ hình thành các bệnh ung thư phụ khoa. Trong đó phổ biến nhất là ung thư tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng.
Một nghiên cứu được thực hiện tại Viện Khoa học sức khỏe môi trường Quốc gia Mỹ trên 40.000 phụ nữ cho thấy, người có thói quen thụt rửa âm đạo làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc ung thư buồng trứng.
Các chuyên gia khuyến cáo chỉ nên rửa vùng kín 1 - 2 lần mỗi ngày, ưu tiên sau khi ngủ dậy ban đêm và/hoặc sau một ngày dài trước khi ngủ. Chỉ cần rửa nhẹ nhàng bên ngoài với nước sạch hoặc nước ấm nhẹ là đủ.
Hoặc có thể dùng các loại dung dịch vệ sinh dịu nhẹ nhưng đừng quá thường xuyên. Còn nếu có vấn đề dịch tiết, mùi hôi, bệnh phụ khoa thì nên nhờ tới sự tư vấn từ dược sĩ, bác sĩ cho từng trường hợp.
Tiền sử gia đình mắc ung thư
Ung thư buồng trứng có thể di truyền trong gia đình. Nguy cơ ung thư buồng trứng của người phụ nữ tăng lên nếu mẹ, chị em gái hoặc con gái của bạn bị ung thư buồng trứng. Nguy cơ cũng cao hơn khi bạn có nhiều người thân bị ung thư buồng trứng.
Tiền sử gia đình mắc một số loại ung thư khác như ung thư đại trực tràng và ung thư vú có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư buồng trứng. Điều này là do những bệnh ung thư này có thể do đột biến di truyền ở một số gen gây ra hội chứng ung thư gia đình làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng.
Sinh con muộn, dậy thì sớm hoặc mãn kinh muộn
Phụ nữ mang thai lần đầu sau 35 tuổi hoặc chưa bao giờ mang thai đủ tháng có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn. Những phụ nữ đã mang thai và sinh đủ tháng trước 26 tuổi có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng thấp hơn so với những phụ nữ không mang thai. Nguy cơ giảm xuống với mỗi lần mang thai đủ tháng. Cho con bú có thể làm giảm nguy cơ hơn nữa.
Phụ nữ dậy thì sớm (trước 12 tuổi) và mãn kinh muộn (sau 55 tuổi) cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng cao hơn người khác. Nguyên nhân là do những phụ nữ này chịu tác động lâu dài của hormone estrogen và progesterone. Nhóm phụ nữ này cũng có nguy cơ cao mắc nhiều bệnh ung thư khác liên quan tới hormone như ung thư vú, ung thư tử cung…
Từng mắc một số bệnh ung thư, bị rối loạn di truyền
Ngoài tiền sử gia đình có người mắc ung thư, nếu bản thân bị một số bệnh ung thư như: ung thư vú, ung thư ruột kết hoặc nội mạc tử cung thì phụ nữ cũng dễ mắc ung thư buồng trứng hơn. Trong đó, người từng mắc ung thư vú hoặc tiền sử gia đình ung thư vú cũng có nguy cơ cao nhất.
Phụ nữ có các rối loạn di truyền như Hội chứng Lynch và hội chứng Peutz - Jeghers dễ bị mắc ung thư vú hơn. Hội chứng Lynch được đặc trưng bởi một nguy cơ cao về ung thư đường tiêu hóa, đường tiết nước bọt và các cơ quan khác. Hội chứng Peutz-Jeghers cho thấy tăng nguy cơ phát triển polyps trong đường tiêu hóa và một số loại ung thư, bao gồm vú, ruột kết, trực tràng, tụy, dạ dày, tinh hoàn, buồng trứng, phổi và cổ tử cung.
Dù không quá phổ biến nhưng các đột biến gen cũng là yếu tố dễ gây ung thư vú. Ví dụ như người đột biến BRCA1 làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng cao hơn từ 35 - 70%. Phụ nữ có đột biến BRCA2 có nguy cơ cao hơn từ 10 - 30%.
Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi không lành mạnh
Chế độ ăn quá nhiều chất béo, tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chiên rán, thực phẩm siêu chế biến được xem là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng. Theo Đại học Hoàng gia London, tăng thêm 10% lượng thực phẩm siêu chế biến có liên quan đến tăng 2% khả năng mắc bất kỳ bệnh ung thư nào và tăng 19% nguy cơ mắc ung thư buồng trứng.
Trường Y khoa Aston ở Birmingham (Vương quốc Anh) thực hiện nghiên cứu trên 197.000 người, cho thấy ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến làm tăng nguy cơ mắc và tử vong do ung thư, đặc biệt là ung thư buồng trứng. Thực phẩm siêu chế biến bao gồm súp đóng gói, nước sốt, bánh pizza đông lạnh, các bữa ăn sẵn, cũng như xúc xích, khoai tây chiên, nước ngọt, bánh quy, bánh ngọt, kẹo, bánh rán, kem…
Ngoài ra, thức khuya trong thời gian dài, tâm trạng tiêu cực, căng thẳng kéo dài, thường xuyên ăn các thực phẩm chứa hormone hoặc có thể tác động tới hormone cũng được các nghiên cứu chứng minh là làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng.
Ung thư buồng trứng phổ biến thứ 3 trong các bệnh ung thư ở nữ giới, sau ung thư vú và ung thư tử cung. Nó cũng được xem là “kẻ giết người thầm lặng” đối với phụ nữ vì các triệu chứng thường không rõ ràng và chỉ xuất hiện ở giai đoạn muộn.
Thống kê của Tổ chức Ung thư Toàn cầu GLOBOCAN cho thấy, có khoảng 1/3 số trường hợp được chẩn đoán khi bệnh đã quá muộn cho việc phẫu thuật. Vì vậy, việc phòng chống, phát hiện sớm là vô cùng quan trọng.
BS Nguyễn Xuân Tuấn (Bệnh viện ung bướu Hưng Việt)