Y học và đời sống

Bác sĩ chỉ rõ 4 kiểu đau bụng nguy hiểm cần biết

  • Tác giả : Thúy Nga
Hầu hết các nguyên nhân gây đau bụng thường không quá nghiêm trọng. Nhưng có những cơn đau bụng rất nguy hiểm cần nhận biết để thăm khám kịp thời.

Bụng là nơi chứa các cơ quan tiêu hóa, bao gồm dạ dày, gan, túi mật, tụy, ruột non, đại tràng. Đau bụng là triệu chứng bệnh lý khá phổ biến mà nhiều người mắc phải, có thể xuất phát từ sự bất thường của các cơ quan trong ổ bụng, hoặc các cơ quan nằm bên cạnh bụng, chẳng hạn như ngực, xương chậu hoặc lưng. Đau bụng có thể do các cơ quan bị viêm, căng giãn, hoặc do mất máu cung cấp cho các cơ quan.

Hầu hết các nguyên nhân gây đau bụng thường không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, cơn đau bụng kèm theo các dấu hiệu bất thường có thể là triệu chứng của một bệnh lý nghiêm trọng nào đó cần được thăm khám và chẩn đoán.

Đau ở vùng dưới xương ức

Kiểu đau này rất hay gặp ở những người mắc bệnh ở dạ dày như viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản…. Cơn đau vùng dưới xương ức thường là đau râm ran, có cảm giác nóng bỏng đặc biệt hay xuất hiện sau khi ăn hoặc cúi người làm việc, nằm ngửa; cơn đau thường khó chịu về đêm.

Khi thấy xuất hiện kiểu đau này, người bệnh cần hết sức cảnh giác. Nên đi khám ngay để bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe, tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Từ đó có biện pháp chữa trị phù hợp.

Bác sĩ chỉ rõ 4 kiểu đau bụng nguy hiểm cần biết ảnh 1

Bác sĩ chỉ rõ 4 kiểu đau bụng nguy hiểm cần biết

Đau bụng quanh rốn và có thể lan xuống bụng dưới

Kiểu đau này có thể cảnh báo bệnh lý viêm ruột thừa. Khi ruột thừa bị viêm, vi khuẩn khu trú trong lòng ruột xâm lấn vào thành ruột, dẫn tới hiện tượng đau bụng quanh rốn. Cơn đau có thể lan dần xuống vùng bụng dưới, khi dùng tay ấn thấy bụng căng cứng, đau. Người bệnh viêm ruột thừa còn có dấu hiệu sốt nhẹ, tiêu chảy hoặc táo bón.

Viêm ruột thừa là một cấp cứu ngoại khoa, cần phải được điều trị càng sớm càng tốt tránh hiện tượng vỡ ruột thừa khiến vi khuẩn có thể lan tràn ra toàn bộ ổ bụng

Đau ở trên vùng bụng giữa

Theo các chuyên gia y tế, khi bị đau ở trên vùng bụng giữa có thể cảnh báo bệnh sỏi mật. Khi sỏi hình thành trong túi mật do chế độ ăn uống và sinh hoạt không hợp lý sẽ gây ra hiện tượng tắc nghẽn.

Người bệnh bị sỏi mật sẽ gặp phải triệu chứng đau bụng giữa. Cơn đau có thể lan qua bên phải, phía dưới khung xương sườn, đau tăng lên khi ăn uống.

Đau bụng do sỏi mật cũng cần được điều trị càng sớm càng tốt, tránh biến chứng nguy hiểm.

Đau ở bụng dưới

Tình trạng đau ở bụng dưới có thể là triệu chứng rối loạn tiêu hóa hoặc các vấn đề ở hệ tiết niệu, bệnh đường sinh dục của nữ.

Nếu bị rối loạn tiêu hóa, ngoài đau ở vùng bụng dưới, người bệnh sẽ kèm theo các triệu chứng thay đổi thói quen đại tiện, đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn và nôn…

Nếu do mắc bệnh ở hệ tiết niệu thì ngoài đau bụng dưới rốn người bệnh sẽ thấy triệu chứng bí tiểu, tiểu buốt, tiểu rắt…

Nếu bị bệnh ở đường sinh dục thì ngoài đau bụng dưới rốn người bệnh có thể gặp tình trạng rối loạn kinh nguyệt, chảy máu bất thường hoặc khí hư có mùi, màu khác lạ.

Bác Sĩ Nguyễn Văn Thái (Viện Y học hạt nhân và ung bướu quân đội)

Thúy Nga