Giải pháp

Bắc Giang: Đẩy mạnh xây dựng lò đốt rác

  • Tác giả : Quốc Trọng
(khoahocdoisong.vn) - Bắc Giang đặt mục tiêu đến năm 2022 sẽ đưa 79 lò đốt rác thải sinh hoạt đi vào hoạt động. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu trong tình thế cấp bách hiện nay.

Phát triển lò đốt rác cấp xã, liên xã

Mới đây, tỉnh Bắc Giang đã đã thông qua nghị quyết “Quy định hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng các lò đốt rác và hoạt động xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2020 - 2025” .

Mục tiêu đến hết năm 2022, hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư, triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động các nhà máy xử lý rác thải tập trung tại huyện Lục Ngạn và TP Bắc Giang.

Cụ thể, từ 1/8 tới đây, các hoạt động thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt sẽ được hỗ trợ kinh phí thỏa đáng, bảo đảm tránh giây ô nhiễm môi trường. Theo đó, ngân sách tỉnh cũng sẽ hỗ trợ UBND các huyện (trừ TP Bắc Giang) kinh phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Trong đó, hỗ trợ 50% kinh phí xử lý rác thải tại khu xử lý được doanh nghiệp đầu tư; hỗ trợ tiền công cho người lao động trực tiếp vận hành lò đốt quy mô xã, liên xã (170 triệu đồng/xã/năm đối với lò đốt quy mô xã và 210 triệu đồng/xã/năm đối với lò đốt quy mô liên xã); hỗ trợ cho người trực tiếp thu gom rác thải (50 triệu đồng/xã/năm đối với các xã có dân số từ 5 nghìn người trở xuống và 100 triệu đồng/xã/năm đối với các xã có dân số trên 5 nghìn người.

Nghị quyết cũng quy định ngân sách cấp huyện sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, HTX, tổ vệ sinh môi trường chuyên trách đối với phần kinh phí đã mua sắm phương tiện, dụng cụ theo kết quả nghiệm thu, quyết toán.

Đặc biệt, nghị quyết đề ra hằng loạt ưu đãi nhằm đẩy nhanh xây dựng các lò đốt rác. Cụ thể, đến năm 2022 hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động 79 lò đốt rác thải (15 lò quy mô liên xã, 64 lò quy mô xã) tại các huyện. Đến hết tháng 6/2021, 100% xã, thị trấn hoàn thành việc kiện toàn, duy trì hoạt động các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ vệ sinh môi trường chuyên trách thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.

Trong đó, ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ kinh phí mua lò đốt, mức hỗ trợ bằng 70% giá trị lò đốt tại các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế; bằng 50% giá trị lò dốt tại các huyện: Yên Dũng, Tân Yên, Lạng Giang, Hiệp Hòa, Lục Nam và Việt Yên.

Kế hoạch đến hết năm 2025, tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom đạt 95%, tỷ lệ xử lý sau thu gom đạt 98%.

Theo đó, dự kiến hỗ trợ khoảng 50 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh cho huyện Hiệp Hòa và huyện Lục Nam thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng khu xử lý rác thải quy mô liên huyện.

Hỗ trợ khoảng 130 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh cho ngân sách các huyện để đầu tư xây dựng 79 lò đốt rác (gồm 15 lò quy mô liên xã và 64 lò quy mô xã).

Hỗ trợ khoảng 300 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh cho ngân sách các huyện để thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trong giai đoạn 2020 - 2025…

“Cứu cánh” bất đắc dĩ

Những nỗ lực trên của UBND tỉnh Bắc Giang được đề ra trong tình trạng rác thải đang tràn lan trên địa bàn tỉnh.

Ghi nhận dọc đê tả Cầu, đoạn qua xã Mai Đình (Hiệp Hòa), rác vẫn chưa được xử lý đúng quy định, có chỗ bị đốt cháy nham nhở. Tương tự, đê tả Cầu, đoạn qua xã Yên Lư (Yên Dũng), cứ cách một đoạn lại xuất hiện điểm chứa rác… các thôn  Đa Thịnh, Yên Tập Cao, Yên Sơn, Bùi Bến của xã Yên Lư… đều không có bãi tập kết rác nên đổ rác ra triền đê, gây ô nhiễm môi trường.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, chủ yếu là do các thôn không có quỹ đất, hoặc  chưa thu hồi được đất để làm bãi rác.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang, hiện nay mỗi ngày toàn tỉnh phát sinh hơn 740 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó khoảng 75% ở khu vực nông thôn, còn lại ở đô thị. Các tổ vệ sinh môi trường của các huyện, thành phố thu gom rác thải sinh hoạt phát sinh hiện đạt 88,5%, tỷ lệ xử lý đạt 87,5%.

Lượng rác còn lại chưa được thu gom, xử lý tạo thành nhiều điểm tồn lưu, gây ô nhiễm môi trường. Lượng rác thải thu gom chưa được xử lý tại các điểm tập kết, khu xử lý trên địa bàn các huyện còn tương đối lớn, khoảng 8.400 tấn, đặc biệt là huyện Yên Dũng còn 6.700 tấn; Lạng Giang 1.300 tấn, Lục Nam 130 tấn.

Theo số liệu từ của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Bắc Giang, đến hết tháng 6, còn 30 điểm tồn lưu rác phát sinh rác thải không đúng quy định trên các huyện như: Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên, Việt Yên, Yên Dũng.

Do đó, xây dựng các lò đốt rác đang là “cứu cánh” của Bắc Giang để bảo vệ môi trường trong thời điểm quỹ đất của tỉnh ngày càng hạn hẹp.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường khuyến nghị các địa phương không đầu tư xây dựng các lò đốt rác cỡ nhỏ cấp thôn, xã, để đảm bảo môi trường. Thay vào đó, cần xây dựng kế hoạch cụ thể, lộ trình phù hợp để chấm dứt việc sử dụng các lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, các khu vực lưu giữ chất thải, các bãi chôn lấp không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường hiện nay.

Cụ thể, theo ông Hiền, theo Quy chuẩn  kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, các lò đốt nhỏ quy mô cấp xã không đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường.

Đồng thời, rác cũng được xem là một loại tài nguyên, nên các địa phương cần tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn. 

Quốc Trọng