Trong nước

Bắc cầu động mạch nách – đùi, trị tắc nghẽn mạch máu chi dưới

  • Tác giả : Thúy Nga
Tắc nghẽn mạch máu chi dưới gây đau chân, đi lại khó khăn có thể phục hồi sau phẫu thuật bắc cầu nối. Đây là một kỹ thuật khó, nguy cơ tắc cao vì không dùng phương pháp nối như thông thường mà phải dùng mạch máu nhân tạo.

30 phút đi được 100 bước

Ngày 26/9, bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho biết, bệnh viện mới phẫu thuật “cứu” đôi chân cho người đàn ông đi lại khó khăn do tắc mạch máu chi dưới.

Theo đó hơn 2 năm nay, ông Thủy (65 tuổi, TP HCM) bị đau nhức chân, đi lại khó khăn vì tắc nghẽn mạch máu.

Theo đó, đôi chân bị tê bì, đau nhức mỗi khi đi lại khiến cuộc sống của ông Thuỷ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, quãng đường chỉ có 100m nhưng ông phải mất đến nửa giờ đi lại, thậm chí phải dừng nghỉ ngắt quãng mới có thể bước tiếp.

Cơn đau chân kèm sưng phù khiến ông không đêm nào ngủ ngon giấc, ăn uống kém, sụt gần 20kg trong hai năm. “Có bệnh thì vái tứ phương”, ông cũng đã từng điều trị ở nhiều bệnh viện lớn nhỏ nhưng cũng không cải thiện được là bao.

Bác sĩ trao đổi với bệnh nhân sau phẫu thuật - Ảnh BVCC

Bác sĩ trao đổi với bệnh nhân sau phẫu thuật - Ảnh BVCC

Tưởng chừng ông Thuỷ cứ thế mà chấp nhận sống chung với căn bệnh này tới suốt đời, nhưng sau khi được một người thân giới thiệu ông tìm đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á để thử vận may.

Khác với những lần trước chỉ thăm khám và chụp X-quang thông thường, ông Thuỷ ngạc nhiên khi được các bác sĩ chỉ định chụp mạch máu số hóa xóa nền DSA để kiểm tra. Và nhờ kĩ thuật này, các bác sĩ đã phát hiện ông Thủy bị hẹp động mạch chân hai bên và hẹp động mạch đùi hai bên, xơ vữa nhiều hệ thống mạch máu (bệnh mạch máu ngoại biên hai chi dưới giai đoạn 3).

Với kết quả này, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực quyết định phẫu thuật tái tạo lại lưu thông mạch máu bằng phương pháp phẫu thuật tạo cầu nối động mạch nách - đùi.

Theo đó, ekip thực hiện một đường nối mạch máu từ vùng nách bên phải đến vùng đùi bên phải, sau đó thực hiện thêm đường nối từ động mạch đùi bên phải vào động mạch đùi bên trái để tái lặp lại lưu thông mạch máu cho bệnh nhân, giúp cải thiện được máu tưới chi để giúp bệnh nhân đi lại dễ dàng và đỡ đau chân hơn.

Kỹ thuật khó phải dùng mạch nhân tạo

BS.CKI. Hồ Huỳnh Anh Hùng, Khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho biết: “Phẫu thuật tạo cầu nối động mạch nách - đùi là một kỹ thuật khó, nguy cơ tắc cao vì không dùng phương pháp nối như thông thường là mạch máu tự thân, mà phải dùng mạch máu nhân tạo.

Bác sĩ thăm khám và kiểm tra vết mổ cho bệnh nhân mỗi ngày - Ảnh BVCC

Bác sĩ thăm khám và kiểm tra vết mổ cho bệnh nhân mỗi ngày - Ảnh BVCC

Đồng thời, đường nối dài nên nguy cơ tắc rất cao, nếu như làm miệng nối ở nách quá lớn thì sẽ làm cho máu xuống tay bị thiếu và gây hội chứng cướp máu, ảnh hưởng đến quá trình điều trị cũng như nguy cơ thất bại cao.

Bệnh nhân có hệ thống mạch máu xơ vữa toàn bộ nên không thể nào làm được cầu nối chủ đùi hay từ ngực tới bụng được. Vì thế, các bác sĩ phải nghĩ đến phương án tạo cầu nối động mạch từ nách tới đùi.

Khi thực hiện đường nối này, vị trí mổ sẽ không xâm lấn vào trong lồng ngực, ổ bụng, đồng thời những đường mổ là những đường ngắt quãng tạo một đường hầm dưới da đi từ vùng nách đến vùng đùi, vết mổ ngắn và thời gian hồi phục nhanh hơn.”

Sau một tuần phẫu thuật, ông Thủy giảm hẳn tình trạng đau nhức chân, phục hồi vận động tốt, có thể đi lại dễ dàng với quãng đường dài hơn gấp 10 lần trước đó.

Ông Thuỷ chia sẻ trong vui mừng, phấn khởi: “Nhờ bệnh viện Xuyên Á đã giải phẫu cho tôi khỏi bệnh lý hiếm gặp này để cải thiện đôi chân của mình. Sức khỏe của tôi giờ đã bình phục trên 50%.”

Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị bệnh lý này, trong đó phẫu thuật can thiệp mạch để có thể tái tạo lại mạch máu, cải thiện dòng máu đưa xuống nuôi mạch máu chi ngoại biên để cải thiện đời sống bệnh nhân tốt hơn.

Phẫu thuật bắc cầu nối bằng đoạn mạch nhân tạo theo giải phẫu là phương pháp phức tạp, song kết quả điều trị tối ưu, lâu dài, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho người bệnh.

Thúy Nga