Lo lắng vì con trưởng thành sớm gây nhiều hệ lụy
Chị N.T.T, 36 tuổi Hà Nội, thực sự hoang mang vì con gái mới 7 tuổi đã có kinh nguyệt, nụ vú và lông mu. Chị “dở khóc, dở cười” khi con thích ngắm vuốt, làm đẹp...nhưng lại chưa biết vệ sinh cá nhân. Chị cho con đi khám thì biết con chị bị dậy thì sớm.
Các chuyên gia cho biết, thông thường, quá trình dậy thì thường bắt đầu từ 8 - 13 tuổi đối với các bé gái và từ 9 - 14 tuổi đối với các bé trai. Dậy thì sớm được định nghĩa là tình trạng phát triển các đặc tính sinh dục thứ phát sớm hơn bình thường (ở bé gái dưới 8 tuổi, có kinh trước 9 tuổi và ở bé trai dưới 9 tuổi).
Khám sàng lọc dậy thì sớm cho học sinh tiểu học |
Dậy xuất hiện ở các bé gái nhiều hơn gấp 10 lần so với các bé trai. Bé gái có các biểu hiện như ngực phát triển, có nụ vú, quầng vú hơi nhô lên và hơi nở rộng ra, xuất hiện lông nách, lông mu, thay đổi hình dáng cơ quan sinh dục ngoài và có kinh nguyệt.
Ở bé trai, dậy thì sớm làm xuất hiện các dấu hiệu như tinh hoàn và dương vật to lên, bìu sậm màu, xuất hiện lông mu hoặc lông nách, râu (thường phát triển đầu tiên trên môi trên), mụn trứng cá, giọng trầm đi và có mùi cơ thể người lớn.
BS Nguyễn Thanh Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Ba Đình chia sẻ, trong những năm gần đây, tỷ lệ số trẻ được phát hiện dậy thì sớm cũng như mắc các dị tật bất thường trên cơ thể đang gia tăng đã khiến nhiều gia đình hoang mang, lo lắng.
Dậy thì sớm khiến trẻ có những biến đổi chuyển tiếp thành người trưởng thành quá sớm, ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển của trẻ. Đây là nguyên nhân gây ra nhiều hệ lụy cho sự phát triển sau này.
BS Nguyễn Thanh Hiếu - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Ba Đình nhấn mạnh: “Tổ chức khám sàng lọc phát hiện bệnh dậy thì sớm ở trẻ là thực sự cần thiết". |
Trên thực tế, nhiều gia đình rơi vào tình trạng “dở khóc, dở cười” khi thấy con có biểu hiện thay đổi cơ thể rất nhanh, trẻ bắt đầu tò mò đến sự phát triển cơ thể, quan tâm cơ thể mình và người khác. Theo các chuyên gia, trẻ dậy thì sớm có nhiều lý do, nhưng có một phần liên quan đến chế độ dinh dưỡng.
“Phần lớn dậy thì sớm ở trẻ chủ yếu xuất phát từ chế độ dinh dưỡng thiếu cân đối, ăn quá nhiều gia vị và các chất phụ gia. Ở lứa tuổi tiểu học, các em cũng ít mặc cảm nhưng vì quá non nớt, cơ thể phát triển sẽ có nhiều nguy cơ đối với trẻ”.
Vì vậy, việc tổ chức khám sàng lọc phát hiện bệnh dậy thì sớm ở trẻ là thực sự cần thiết, giúp hạn chế, ngăn ngừa những bệnh lý. Đặc biệt, can thiệp đúng lúc ở giai đoạn vàng sẽ giúp trẻ phát triển thể chất và tâm lý một cách toàn diện” – BS Nguyễn Thanh Hiếu nhấn mạnh.
Tổ chức khám sàng lọc để phát hiện và can thiệp sớm
Thấu hiểu việc tiến hành khám sàng lọc dậy thì sớm trong nhà trường là việc làm cần thiết, Các trường Tiểu học Vạn Phúc, Ngọc Hà, Thủ Lệ, Hoàng Hoa Thám, Đại Yên, Nguyễn Trung Trực, Nghĩa Dũng đã phối hợp với Trung tâm Y tế quận Ba Đình, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và Phòng GD&ĐT quận Ba Đình tổ chức khám sàng lọc bệnh lý dậy thì sớm cho học sinh khối 1, 2, 3 từ ngày 10 đến 13/10.
Cô Phùng Tố Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vạn Phúc bày tỏ: “Việc tiến hành khám sàng lọc dậy thì sớm trong nhà trường là vô cùng cần thiết và thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo UBND quận Ba Đình đối với học sinh
Theo đó, quá trình sàng lọc cho phép phát hiện và giải quyết sớm các vấn đề sức khỏe, điều này giúp trẻ tập trung vào việc học tập và phát triển mà không bị ảnh hưởng bởi các vấn đề liên quan.
Cán bộ y tế khám sàng lọc cho trẻ |
Ngoài ra, Trung tâm Y tế quận Ba Đình còn đẩy mạnh hoạt động truyền thông về lĩnh vực phòng chống xâm hại, lạm dụng trẻ em và cung cấp kỹ năng cần thiết để các em có thể tự bảo vệ.
Cô Phùng Tố Nga cho biết: “Giáo viên chủ nhiệm cũng thường xuyên phối hợp với phụ huynh thường xuyên theo dõi sự phát triển của học sinh để đảm bảo đáp ứng được mọi yêu cầu học tập và phát triển toàn diện”.
Cụ thể, thầy cô cần theo dõi tiến trình học tập, ghi chú về sự thay đổi trong hành vi hoặc phát triển của học sinh và cung cấp phản hồi thường xuyên cho phụ huynh; Tạo ra môi trường học tập tích cực và thân thiện đối với học sinh giúp trẻ phát triển tự tin và tham gia tích cực vào quá trình học tập, công tác xã hội.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng cung cấp thông tin cho phụ huynh đi khám tư vấn chuyên khoa Nội tiết Nhi vào ngày thứ Ba và Năm tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.
Quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của các em, nhà trường cũng xây dựng thực đơn hằng ngày, hàng tuần để đảm bảo cân đối về chất lượng, định lượng, an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của học sinh.
Thực đơn thường bao gồm các loại thực phẩm giàu Protein, rau củ, trái cây và các nguồn dinh dưỡng cần thiết khác.Thông tin về khẩu phần ăn của các em cũng được công bố công khai tại bảng tin và website trường, giúp phụ huynh nắm được chế độ dinh dưỡng tại trường và chủ động xây dựng thực đơn tại gia đình.
Đặc biệt, nhà trường phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để truyền thông về tầm quan trọng của dinh dưỡng cân đối và cách cung cấp chế độ ăn phù hợp. Hằng ngày, đại diện phụ huynh các lớp đến kiểm tra, giám sát quá trình chế biến và bảo quản thực phẩm; Giáo viên chủ nhiệm và nhân viên y tế theo dõi sự phát triển của học sinh, phản hồi nếu có dấu hiệu thiếu dinh dưỡng hoặc sức khỏe bất thường.