Thế giới

Áo dự báo cơn đau tim

  • Tác giả : Bảo Châu (T/h)
Khi người dùng mặc chiếc áo và thông qua công nghệ quét hình ảnh điện tâm đồ (ECGI), các nhà khoa học có thể nhìn thấy và ghi lại hoạt động của tim với mức độ chi tiết nhất.
Các nhà khoa học tại Anh đã nghiên cứu thành công một loại áo đặc biệt, giúp người mặc có thể thấy được cụ thể hoạt động của tim - Ảnh minh họa

Các nhà khoa học tại Anh đã nghiên cứu thành công một loại áo đặc biệt, giúp người mặc có thể thấy được cụ thể hoạt động của tim - Ảnh minh họa

Mới đây, các bác sĩ và nhà nghiên cứu tại Đại học Cao đẳng London UCL (Anh) phát triển thành công thiết bị có thể xác định những người có nguy cơ tử vong đột ngột do bệnh tim. Điều đặc biệt, bệnh nhân có thể mặc nó giống như một chiếc áo khoác thông thường.

Chỉ mất vài phút, người dùng có thể mặc xong chiếc áo và thông qua công nghệ quét hình ảnh điện tâm đồ (ECGI), các nhà khoa học có thể nhìn thấy và ghi lại hoạt động của tim với mức độ chi tiết nhất. Công nghệ này đã được thử nghiệm thành công trên khoảng 800 người và cho kết quả tích cực.

“Công nghệ sẽ cho phép chúng tôi lần đầu tiên thu thập thông tin điện tâm đồ chi tiết của tim, đồng thời chúng tôi có thể triển khai công nghệ trên quy mô hàng nghìn người với chi phí thấp hơn nhiều so với các công nghệ cạnh tranh khác" - Tiến sỹ Gaby Captur (Viện Khoa học Tim mạch, University College London, Anh) nói.

Ông Tony Farrar (người tham gia thử nghiệm) cho biết: "Tôi thực sự không có cảm giác gì cả. Tất nhiên, đôi khi tôi có thể cảm nhận được điện cực được gắn ở toàn thân, nhưng nó không hề khó chịu chút nào. Tôi cho rằng nó không hơn gì việc mặc một chiếc áo khoác ngoài rộng cả".

Không chỉ dễ mặc, chiếc áo còn có thể tái sử dụng. Các điện cực kim loại trên chiếc áo đã được phát triển để có thể gắn trực tiếp lên da của bệnh nhân và rửa sạch sau mỗi lần dùng.

Chiếc áo khoác độc đáo trên hiện được sử dụng để thiết lập mô hình tim của những người mắc các bệnh nguy hiểm của tim, như cơ tim phì đại và cơ tim giãn. Các nhà nghiên cứu đã được cấp bằng sáng chế cho áo ECGI ở Mỹ và đang nỗ lực để đưa công nghệ này trở nên phổ biến.

Bảo Châu (T/h)