Trong nước

Ăn xong đau bụng, đi ngoài... mắc bệnh gì?

  • Tác giả : Thúy Nga
Nhiều người bị đầy hơi, chướng bụng, ăn xong là muốn nôn, đi ngoài, nhưng đi khám, làm các xét nghiệm lại không thấy tổn thương.

TS.BS Hà Hải Nam, Phó trưởng khoa Ngoại bụng, Bệnh viện K (Hà Nội), cho hay, đây là một trong những bệnh đường ruột phổ biến, tỷ lệ mắc chiếm từ 15-20% dân số. Hội chứng này lành tính, không gây nguy hiểm tính mạng nhưng tái đi, tái lại, ảnh hưởng cuộc sống người bệnh.

Khổ vì “bệnh” nhưng không tìm ra bệnh

Chị Đ.T.H (45 tuổi, Hà Nội) nhiều lần phải bỏ các chuyến công tác, du lịch... chỉ vì thường xuyên đầy hơi, chướng bụng và sợ nhất cứ ăn, uống xong là buồn nôn hoặc đi ngoài. Chị đi khám nhiều nơi nhưng không tìm ra bệnh. Bác sĩ chỉ kết luận hội chứng ruột kích thích (IBS).

Theo TS.BS Hà Hải Nam, tuần nào, ông cũng khám cho nhiều người được chẩn đoán mắc hội chứng ruột kích thích với những phiền toái không hề nhỏ, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.

Hội chứng ruột kích thích là hội chứng rối loạn chức năng, không có tổn thương thực thể, không nguy hiểm tính mạng nhưng ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống. Bệnh kéo dài làm cho người mắc lo lắng, căng thẳng mất ngủ, lo sợ bị bệnh hiểm nghèo khác của ruột.

Ở Việt Nam, hội chứng ruột kích thích còn được biết đến với tên gọi viêm đại tràng co thắt, viêm đại tràng chức năng hoặc viêm đại tràng mãn tính. Thức ăn trong đường tiêu hóa đi từ ruột non đến ruột già. Chức năng chính của ruột già là hấp thụ nước, đẩy phân ra nhờ nhu động ruột.

Ở người mắc IBS, nhu động ruột do cơ co thắt sẽ diễn ra bất thường. Cơ co thắt quá mức gây tiêu chảy. Ngược lại, cơ co thắt chậm hoặc ít sẽ dẫn đến táo bón. Nhu động ruột không liên tục và bất thường có thể gây đau bụng hoặc cảm giác muốn đi ngoài ngay lập tức.

Đây là một trong những bệnh đường ruột phổ biến nhất với tỷ lệ mắc từ 15-20% dân số, nữ giới mắc bệnh cao gấp đôi nam giới. Hội chứng này lành tính, không gây nguy hiểm tính mạng nhưng ảnh hưởng nhiều chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Nội soi để chẩn đoán và loại trừ ung thư đại trực tràng - Ảnh BSCC

Nội soi để chẩn đoán và loại trừ ung thư đại trực tràng - Ảnh BSCC

TS.BS Nam cho biết, trước đây, bệnh thường gặp ở tuổi thanh niên và trung niên, tỷ lệ mắc cao nhất từ 18-30 tuổi và giảm sau tuổi 50... Nhưng hiện nay, tình trạng trẻ em mắc đang trở nên phổ biến. Áp lực thi cử hoặc trầm cảm vì các yếu tố gia đình, xã hội có thể khiến trẻ bị căng thẳng, dẫn tới hội chứng này.

Hiện, cơ chế sinh bệnh chưa rõ. Bệnh có liên quan nhiều yếu tố, trong đó, chủ đạo là nhiễm trùng đường ruột và rối loạn tâm lý. Ngoài ra, các yếu tố khác là di truyền, ăn uống, dùng thuốc, nội tiết... Chúng làm phát sinh những động ruột bất thường, liên quan tính phản ứng cao của nhu động ruột và sự mẫn cảm của đường ruột. Triệu chứng của bệnh gồm:

Đau bụng: Thường không có vị trí nhất định, có thể đau dọc khung đại tràng, đau nhiều hơn sau khi ăn hoặc đôi khi chưa ăn xong đã có cảm giác đau, ăn thức ăn lạ, thức ăn để lâu.

Cảm giác đau có thể chỉ diễn biến 1-2 ngày nhưng cũng có thể kéo dài nhiều ngày triền miên. Một tháng có thể đau vài lần nhưng cũng có người bệnh nhiều tháng mới đau một lần.

Táo bón và tiêu chảy: Phân táo thường kèm theo nhầy bọc ngoài phân. Một điểm cần lưu ý là phân trong trường hợp này không bao giờ lẫn máu, nếu có thì chắc chắn không phải hội chứng ruột kích thích.

Ngoài ra, các rối loạn khác có thể gặp: Bụng đầy hơi, cảm giác nặng bụng, nhức đầu, mất ngủ, trung tiện nhiều, cảm giác đi chưa hết phân. Các triệu chứng này không đặc hiệu và thay đổi theo thời gian, phụ thuộc chế độ ăn uống.

Ví dụ, ăn đồ không phù hợp sẽ xuất hiện triệu chứng rối loạn tiêu hóa ngay lập tức; không dùng món đó, các triệu chứng sẽ biến mất. Vì vậy, khi có biểu hiện trên, bạn nên đến cơ sở y tế để được khám, làm các xét nghiệm cần thiết, xác định bệnh để được điều trị kịp thời.

Hội chứng ruột kích thích - Ảnh minh họa

Hội chứng ruột kích thích - Ảnh minh họa

Kiểm soát chế độ ăn

TS.BS Nam cảnh báo, nhiều người có dấu hiệu của bệnh nhưng lại không đi khám vì cho rằng bệnh mạn tính, kéo dài nhưng… lành tính, các triệu chứng có thể trội lên, xong lại hết. Tuy nhiên, các triệu chứng trên cũng rất dễ nhầm với bệnh lý mãn tính hoặc thậm chí ác tính khác, như ung thư đại trực tràng...

Vì vậy, theo TS.BS Nam, những người bị các triệu chứng của bệnh: Xuất hiện ít nhất 3 lần/tháng trong 3 tháng qua hoặc các triệu chứng đầu tiên bắt đầu trong vòng 6 tháng gần đây... cần đi khám thực hiện nội soi, xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, sinh thiết trực tràng hoặc đại tràng... để loại trừ ung thư đại trực tràng.

Điều trị hội chứng ruột kích thích, theo TS.BS Nam kiểm soát, cải thiện tình trạng bệnh là vô cùng quan trọng. Để điểm trị dứt điểm bệnh, chế độ ăn uống, sinh hoạt đóng vai trò chính.

Trước tiên, cần kiêng (hoặc hạn chế) thức ăn dễ gây dị ứng như tôm, cua, cá và những thức ăn khó tiêu, dễ sinh hơi như khoai lang, mít… Đa số người mắc hội chứng ruột kích thích thường bị thiếu lactase (là enzyme phân giải đường lactose) nên cần tránh các loại thức ăn có loại đường này (đồ ăn nhanh, đồ nướng, bánh mỳ, bánh quy, kẹo, chocolate…).

Đối với người bị táo bón, cần bổ sung thực phẩm chống táo. Người bị tiêu chảy có thể sử dụng thức ăn đặc, dễ tiêu. Lưu ý khi ăn phải nhai kỹ, ăn từ từ, không nên ăn quá no.

Luyện tập đi ngoài ngày một lần vào buổi sáng, có thể xoa bụng (theo chiều kim đồng hồ) trong khoảng 10 phút trước khi đi ngoài để kích thích gây cảm giác đi ngoài. Bên cạnh đó, các thuốc điều trị bệnh có thể được bác sĩ chỉ định cụ thể, phù hợp với từng người bệnh và thể bệnh:

• Chống đau: Dùng các thuốc chống co thắt như Spasfon, Duspatalin...

• Chống táo bón: Dùng các thuốc nhuận tràng như Forlax, Duphalac, Tegaserod...

• Chống ỉa chảy: Smecta, Imodium, Actapulgite...

• Chống sinh hơi: Meteospasmyl, Pepsane...

• Thuốc an thần: Rotunda, Seduxen, Dogmatil...

• Thuốc kháng sinh đường ruột: Tuy vi khuẩn không đóng vai trò sinh bệnh trong IBS, người bệnh bị tiêu chảy hoặc táo bón lại tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại trong đường ruột phát triển, sẽ làm tăng tiêu chảy và chướng bụng.

Tuỳ thuộc mức độ, các bác sĩ sẽ khuyên dùng loại thuốc khác nhau như: Berberin, Biseptol… Quan trọng nhất vẫn là thiết lập chế độ dinh dưỡng giàu chất xơ, loại bỏ các thức ăn chứa khí hoặc tạo ra nhiều khí, uống đủ nước, luyện tập thể dục, khống chế căng thẳng.

Cách phòng bệnh

Để phòng bệnh, bên cạnh chế độ ăn, điều quan trọng khác là phải điều chỉnh chế độ sinh hoạt:

- Tránh làm việc quá sức, lo âu, mất ngủ, căng thẳng thần kinh kéo dài.

- Luôn vui vẻ, thoải mái, sống lành mạnh.

- Nên thực hiện các phương pháp giảm stress như tập thể dục (nhẹ nhàng, khoảng 30 phút mỗi ngày), ngồi thiền, tập yoga hoặc lựa chọn hình thức tập luyện phù hợp, dễ thực hiện.

- Giữ thói quen sinh hoạt, nghỉ ngơi điều độ, đúng giờ. Có thể lấy lòng bàn tay xoa nhẹ quanh vùng thượng vị - rốn theo chiều kim đồng hồ vài lần mỗi ngày để kích thích nhu động ruột.

- Luyện tập đi ngoài ngày một lần vào buổi sáng hoặc thời điểm thích hợp, nên xoa bụng trước khi đi ngoài.

- Ngoài ra, nên đi khám định kỳ 6 tháng đến 1 năm/lần hoặc khi có dấu hiệu bất thường của hội chứng ruột kích thích để điều trị dứt điểm từ đầu, không để bệnh tiến triển thành mạn tính.

Thúy Nga