Bình luận

Án tử với nông dân Đặng Văn Hiến là thiếu công bằng

y là mức án thiếu công bằng, bỏ lọt tội phạm. Nếu giữ nguyên mức án tử hình đối với nông dân Đặng Văn Hiến thì sẽ có nhiều công ty, doanh nghiệp dám thu hồi đất như Công ty Long Sơn. Và không tránh khỏi có những người dân khác phải hành xử trong thế bị “dồn đến chân tường”.

Đó là nhận định của Luật sư Trần Hữu Năng, Trưởng Văn phòng Luật sư Đức Năng trong buổi trò chuyện với Khoahocdoisong.vn về mức án đối với nông dân Đặng Văn Hiến.

Nông dân Đặng Văn Hiến

Luật sư Trần Hữu Năng. 

Công ty Long Sơn hủy hoại tài sản có tổ chức

Ông đánh giá như thế nào về  mức án tử hình mà tòa án dành cho nông dân Đặng Văn Hiến?

Một người bỗng nhiên làm chết 3 người bằng vũ khí quân dụng, bị tòa tuyên tử hình là nghe có vẻ dễ chấp nhận vì dân gian hay có câu “nợ máu phải trả máu” hoặc “mất mạng phải đền mạng”. Tuy nhiên, đó là thành ngữ dân gian.

Còn trong luật pháp hiện đại của Việt Nam cũng như hầu hết các nước trên thế giới, pháp luật khi xử lý tội phạm phải căn cứ vào động cơ, mục đích, hoàn cảnh, điều kiện phạm tội. Ví dụ như phạm tội trong điều kiện trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, hành vi nguy hiểm do phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, phạm tội khi nạn nhân có lỗi v.v…

Trong vụ việc này, hành vi của nông dân Đặng Văn Hiến có những “căn cứ” nào thuộc nội dung ông vừa liệt kê không?

Khi xác định hình phạt, các cơ quan tiến hành tố tụng phải đánh giá hoàn cảnh, điều kiện phạm tội.

Chúng ta hãy cùng trả lời những câu hỏi sau: Công ty Đầu tư  và Thương mại Long Sơn (sau đây gọi tắt là Công ty Long Sơn) có quyền tự ý tổ chức cưỡng chế không? Thực chất là chỉ có cơ quan nhà nước như Cơ quan Thi hành án, Hội đồng giải phóng mặt bằng của Nhà nước mới được tổ chức cưỡng chế và phải có các quyết định nghiêm túc, tiến hành trong điều kiện chuẩn bị kỹ càng, sự tham gia của các lực lượng trong hệ thống chính quyền.

Vậy thì hành vi cưỡng chế của Công ty Long Sơn có phải sai luật hay không?

Công ty Long Sơn tự ý cưỡng chế mà không có sự ngăn cản của cơ quan Nhà nước chứng tỏ trên địa bàn đó họ đã “làm mưa làm gió” trong thời gian dài. Hành vi đó có thể bị coi là hủy hoại tài sản có tổ chức.

Phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động

Nông dân Đặng Văn Hiến

Nước mắt rơi và tiếng khóc vang lên ở bến đò Đak Ngo ngày nông dân Đặng Văn Hiến ra đầu thú.

Nếu hành vi của Công ty Long Sơn là hủy hoại tài sản có tổ chức thì hành vi của nông dân Đặng Văn Hiến có thể coi là “tự vệ”, chống trả lại không, thưa ông?

Theo tôi, trong hoàn cảnh đó mà người dân không được bênh vực, không được bảo vệ, vì vậy, hành vi của nông dân Đặng Văn Hiến cũng được coi là phạm tội trong điều kiện trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.

Theo pháp luật Việt Nam, đây có phải là một tình tiết giảm nhẹ tội không, thưa ông?

Tình tiết giảm nhẹ nằm ngay trong quy định của bộ luật hình sự “Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra”. Nếu bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của người bị hại đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người phạm tội thì thuộc trường hợp phạm tội “giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”.

Với trường hợp đó, khung tù sẽ như thế nào?

Điều 125 Bộ luật hình sự 2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 có quy định về trường hợp giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh: 1. Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. 2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

Nông dân Đặng Văn Hiến phạm tội trước 1/1/2018 thì khi xử lý, tòa án áp dụng chế định “Hồi tố”.  Nghĩa là khi xử lý, luật nào có lợi cho bị can, bị cáo thì áp dụng luật đó.

Vậy mức án tử hình dành cho nông dân Đặng Văn Hiến, ông đánh giá như thế nào?

Rõ ràng là thiếu công bằng. Vì người của Công ty Long Sơn có hành vi phạm tội thì không được xem xét khởi tố, thường gọi là bỏ lọt tội phạm. Bị cáo Đặng Văn Hiếu thì không được xem xét động cơ, mục đích, hoàn cảnh điều kiện phạm tội.

Pháp luật cần lấy dân làm gốc

Theo ông, đó có phải là lý do dẫn đến việc người dân bất bình với kết quả phiên xử hay không? Dư luận có vai trò như thế nào đối với vụ án?

Đúng vậy. Tòa không quan tâm đến nỗi bức xúc của người dân khi bị các cơ quan Nhà nước bỏ rơi trong quá trình giải quyết khiếu tố khiếu nại. Tòa không quan tâm xem xét khi Công ty Long Sơn đã trở thành một nỗi ám ảnh, bất bình của người dân địa phương trong quá trình lâu dài.

Một vụ án mà dư luận phản đối gay gắt thì cần xem xét lại một cách nghiêm túc. Hành vi làm chết 3 người là đặc biệt nguy hiểm, nhưng như tôi đã nói, cần phải xem xét động cơ, mục đích, hoàn cảnh, điều kiện phạm tội.

Đây không phải là vụ án đầu tiên về người nông dân bị cưỡng chế đất, để tránh oan sai, theo ông cần điều gì?

Không nhất thiết phải loại án về người nông dân bị cưỡng chế thu hồi đất mà trong tất cả các loại án liên quan đến thực hiện các quyết định hành chính, người thực thi pháp luật cần phải công tâm: “không bỏ lọt tội phạm, không làm oan sai người ngay”, cần coi trọng công tác vận động quần chúng nhân dân, cần lấy dân làm gốc; không coi thường lý lẽ của thiểu số; không thiên vị tầng lớp cán bộ mà xem nhẹ ý kiến của người dân lao động.

Giả sử nếu giữ nguyên án tử hình với nông dân Đặng Văn Hiến, ông có suy nghĩ gì?

Nếu giữ nguyên mức án tử hình đối với nông dân Đặng Văn Hiến thì sẽ có nhiều công ty, doanh nghiệp dám thu hồi đất như Công ty Long Sơn. Sẽ có nhiều địa phương giải quyết đơn thư khiếu kiện của dân một cách cẩu thả, không triệt để. Và, không tránh khỏi có những người dân khác phải hành xử trong thế bị “dồn đến chân tường”.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngày 2/1, TAND tỉnh Đắk Nông đã mở phiên tòa sơ thẩm hình sự xét xử vụ án giết người, che giấu tội phạm và hủy hoại tài sản xảy ra tại tiểu khu 1535 (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Đắk Nông) vào ngày 23/10/2016 khiến 16 người thương vong. HĐXX tuyên tử hình đối với bị cáo Đặng Văn Hiến (47 tuổi), người trực tiếp nổ súng khiến 3 người chết, 13 người bị thương. Bị cáo Hiến đã kháng toàn bộ bản án sau khi bị tuyên tử hình. Theo bị cáo Hiến, mức án tòa sơ thẩm tuyên là quá nặng, chưa xem xét hết các tình tiết khách quan, chưa đặt trong mối quan hệ giữa hành vi phạm tội của bị cáo với tính chất, mức độ vi phạm pháp luật nghiêm trọng của những người bị hại là nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội.

“Họ (Công ty Long Sơn – PV) đã huy động một lực lượng hùng hậu, sử dụng khiên, giáp, vũ khí, phương tiện cơ giới máy móc đến san ủi nhà cửa, vườn cây là nguồn sống duy nhất của gia đình tôi, đẩy tôi vào trạng thái bức xúc tột độ nên mới dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật” – bị cáo Hiến trình bày trong đơn. Kết quả phiên xử cũng gây tranh cãi trái chiều trong dư luận.

Mai Loan (thực hiện)