An nam tử còn có tên gọi khác là đại hải tử, bàng đại hải, đười ươi… Tên khoa học là Sterclia lyhnophora Hance. Cây mọc hoang và được trồng một số vùng ở nước ta như: Trảng Bom, Tây Ninh, Biên Hòa, Bình Định, Quảng Nam, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Trị, và vùng lân cận.
An nam tử là trái cây đười ươi. Theo Đông y vị thuốc này có vị ngọt tính mát, không độc, vào kinh Phế, Vị. Nên chọn trái chắc bằng đầu ngón tay, phơi khô có màu nâu đen còn mới, không lấy hạt non, hạt lép bị mốc mọt là tốt. Ngày dùng 6 – 16g.
Công dụng: Thanh phế nhiệt, mát huyết. Chủ trị: Ho khan, sưng đau cổ họng, nôn ra máu, chảy máu cam, sỏi gan mật.
Theo sách Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của Đỗ Tất Lợi, thành phần hóa học hạt lười ươi gồm 2 phần: phần nhân chiếm khoảng 35% và phần vỏ 65%. Trong nhân có chất béo (2,98%), tinh bột, chất đắng. Trong vỏ có khoảng 1% chất béo, 59% bassorin, chất nhày và tanin...
Phương thuốc an nam tử chủ trị:
Trị khan tiếng, tắc tiếng, ho không long đờm (do phế nhiệt): An nam tử 2 trái, ngâm với nước sôi, uống thay nước trà (Đông dược học thiết yếu).
Trị viêm họng, viêm amidan cấp: An nam tử 4 - 8 quả cho vào bình trà, đổ nước sôi vào uống hết sau khi ngâm nửa giờ, ngày vài lần.
Trị sỏi mật, sỏi gan, hoặc bị nổi mụn nhọt do gan huyết nhiệt: An nam tử 10-15 quả chín, ngâm qua nước nóng 10-15 phút cho bung vở ngoài sau đó bỏ vỏ cứng và hạt, lấy phần thịt cho thêm nước chín và đường vừa đủ ăn cả cái lẫn nước như sinh tố.
Cổ họng sưng đau, viêm đường tiết niệu: An nam tử chỉ cần 4-5 hạt vào một lít nước là đủ có một thứ nước sền sệt như thạch, thêm đường vào mà uống trong trường hợp ho khan không đờm, cổ họng sưng đau, viêm đường tiết niệu. Ngày dùng 2-5 hạt, cho vào cốc nước nóng, chờ một lúc cho hạt nở ra, thêm đường vào cho đủ ngọt chia nhiều lần uống trong ngày.
Lương y Minh Phúc (Hội Đông y TP Vũng Tàu)