ThS Lưu Liên Hương, Viện Y học Ứng dụng cho biết, khi ăn lẩu phải lưu ý một số nguyên tắc để đảm bảo sức khỏe. Đầu tiên là hạn chế sử dụng các loại gia vị làm sẵn. Hiện nay, trên thị trường có nhiều gói gia vị lẩu, sa tế đa dạng hương vị, giúp bạn có được nồi lẩu ngon như nhà hàng mà không cần mất thời gian chuẩn bị. Tuy nhiên, các sản phẩm này thường chứa nhiều dầu ăn, chất béo chuyển hóa (trans fat) và muối. Đây là những thành phần ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe nếu bạn ăn lẩu thường xuyên. Tốt hơn là tự chế biến nước lẩu tại nhà từ nước hầm xương và các nguyên liệu tươi.
Việc dùng đồ ăn, uống nước lẩu nóng cũng không tốt, gây tổn thương khoang miệng, dạ dày và thực quản. Khi ăn lẩu, bạn nên gắp đồ ăn đã bát/đĩa để nguội bớt mới ăn. Thói quen này cũng giúp bạn giảm tốc độ khi ăn. Với mỗi loại lẩu, cần chọn rau nhúng phù hợp với các nguyên liệu khác, tránh sử dụng các thực phẩm kỵ nhau. - Ăn lẩu bò với rau mồng tơi dễ gây ra đau bụng, khó tiêu. Lá kinh giới kỵ với lẩu thịt gà. Lẩu hải sản sử dụng tôm, ngao, ốc không nên ăn kèm thực phẩm chứa vitamin C như mướp đắng, cà chua.
Ngoài ra, phải thay nước lẩu thường xuyên nếu bữa ăn kéo dài quá lâu để hạn chế các chất nitrite sản sinh ở nhiệt độ cao sau 30 phút nồi lẩu sôi. Trong quá trình nấu, nước lẩu đun sôi nhiều lần sản sinh ra nhiều chất có hại cho sức khỏe như muối, purine và nitrite. Nitrite tiếp xúc với các axit amin trong thịt ở nhiệt độ cao sẽ tạo thành hợp chất nitrosamines có khả năng phá hỏng cấu trúc ADN, làm tăng nguy cơ ung thư.