Việc thay một bữa cơm bằng một bữa rau và chất đạm hoặc ngày vẫn ăn ba bữa nhưng ăn ít tinh bột, nhiều đạm và rau xanh trở thành xu hướng của nhiều bạn trẻ. Với cách ăn như vậy, không đảm bảo nhu cầu hàng ngày cho sự phát triển, bữa ăn mất cân đối, mất hợp lý dẫn tới bị suy dinh dưỡng trường diễn, ảnh hưởng đến thế hệ sau này khi trưởng thành làm người bố mẹ tương lai.
Khẩu phần ăn của người Việt hiện đã được cải thiện về chất lượng nhưng còn mất cân đối về các chất dinh dưỡng. Người Việt có thói quen ăn nhiều cơm, do đó làm cho tính cân đối của khẩu phần không được đảm bảo. Về nhu cầu năng lượng từ ngũ cốc chỉ nên chiếm 55 - 67% (tổng năng lượng khẩu phần, phần còn lại do các chất béo cung cấp chiếm 20 - 25%, chất đạm chiếm 13 - 20%). Cuộc tổng điều tra các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế tiến hành năm 2015 cho thấy, 57,2% người trưởng thành không ăn đủ rau, quả. Lượng muối trong khẩu phần ăn vào trung bình đang cao gấp 2 lần mức khuyến nghị là 5g muối/người/ngày. Chế độ dinh dưỡng bất hợp lý là một yếu tố nguy cơ quan trọng hàng đầu dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng của phần lớn các bệnh mạn tính không lây.
Chế độ ăn không cân đối, không hợp lý là nguyên nhân gia tăng của các bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa (mỡ máu cao, tăng glyxerit...), thừa và thiếu dinh dưỡng dẫn tới suy dinh dưỡng (dạng thừa cân, thiếu cân)… Cuộc tổng điều tra các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế tiến hành năm 2015 cho thấy, ở người trưởng thành từ 18 - 69 tuổi có tới 15,6% bị thừa cân, béo phì, trong đó, ở thành thị là 21,3% và nông thôn là 12,6%; tỷ lệ tăng huyết áp là 18,9%; tỷ lệ tăng cholesterol máu là 30,2%. Ăn ít rau, quả được cho là nguyên nhân của 1,7 triệu trường hợp tử vong, chiếm 2,8% tổng số tử vong trên thế giới. Ăn ít rau, quả là nguyên nhân của 19% số ung thư dạ dày ruột, 31% các bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ, và 11% số trường hợp đột quỵ.
Để cơ thể trẻ phát triển cả về thể lực và trí lực nên tổ chức bữa ăn hợp lý, đa dạng các loại thực phẩm, phối hợp cả thực phẩm nguồn gốc động vật và thực phẩm nguồn gốc thực vật trong từng món ăn và từng bữa ăn để có chế độ ăn giàu dinh dưỡng, phòng ngừa bệnh không lây.
ThS.BS Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng Quốc gia)