Y học và đời sống

Ẩn họa từ sở thích ôm, hôn chó mèo

  • Tác giả : Giang Thu (T/H)
Khi nuôi chó mèo ai cũng thích được âu yếm và hôn hít chúng, tuy nhiên việc này lại gây ra những tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật cho con người.

Hầu hết những người nuôi chó hay mèo đều coi đó là một người bạn, một thành viên không thể thiếu của gia đình.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc nuôi, tiếp xúc với chó mèo có thể giúp chúng ta tăng 300% lượng hormone oxytocin trong cơ thể, hormone này có rất nhiều tác dụng tích cực đối với sức khỏe như góp phần giúp giảm stress, ổn định huyết áp, làm cho tinh thần thoải mái, giúp giấc ngủ ngon hơn và sâu hơn.

Tuy nhiên, vì quá yêu quý thú cưng nên việc ôm ấp và hôn hít chúng có lẽ được thực hiện khá thường xuyên. Việc làm này rất nguy hiểm với sức khỏe bởi hôn hít và ôm ấp chó và mèo cưng có thể làm lây nhiễm các siêu vi khuẩn kháng thuốc qua nước bọt của chúng, các nhà khoa học lo lắng cho biết trên Daily Mail. Các nhà khoa học cũng khuyên rằng, người nuôi thú cưng cũng nên để thú cưng ăn trong một bát riêng.

Hiện có hơn 70 mầm bệnh lây truyền từ động vật sang người. Đôi khi, thú cưng mang bệnh trông không ốm yếu, không có triệu chứng rõ ràng. Điều này khiến chủ nuôi dễ lây nhiễm hơn. Các loại vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng có thể truyền trực tiếp sang người qua đường nước bọt, phân, chất dịch cơ thể hoặc gián tiếp qua môi trường sinh sống, giường, đất, thức ăn hoặc nước bị ô nhiễm.

Chó và mèo thường là nguồn lây nhiễm virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng sang người. Ở các khu vực lưu hành bệnh dại như châu Phi và châu Á, chó là nguồn lây dại chính qua nước bọt. Chó cũng mang vi khuẩn Capnocytophaga trong miệng và nước bọt, có thể truyền sang người qua tiếp xúc gần gũi hoặc vết cắn. Đa số người dân không phát triển bệnh, nhưng những vi khuẩn này đôi khi lây nhiễm sang người có hệ miễn dịch yếu, dẫn đến bệnh nặng, thậm chí tử vong. Đầu tháng 9, Australia ghi nhận một người phụ nữ tử vong 11 ngày sau khi nhiễm vi khuẩn hiếm gặp từ vết chó cắn.

Mầm bệnh lây truyền từ mèo sang người thường qua đường miệng hoặc phân, chẳng hạn bệnh giardia, campylobacteriosis, salmonellosis và toxoplasmosis. Các chuyên gia khuyến nghị người dân rửa tay sạch, sử dụng găng tay mỗi khi dọn dẹp khay cát mèo. Mèo đôi khi cũng có thể truyền bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Bartonella henselae gây ra qua vết cắn, vết cào.

Cả chó và mèo đều là ổ chứa vi khuẩn Staphylococcus vàng (MRSA) kháng methicillin, gây bệnh tụ cầu vàng - là vấn đề y tế toàn cầu, một thách thức trong điều trị.

Bên cạnh chó và mèo, chim chóc, rùa, cá cũng có thể truyền bệnh. Chim là vật chủ chứa vi khuẩn gây viêm phổi, dẫn đến bệnh psittacosis. Việc tiếp xúc quá gần với rùa cưng có thể khiến người nuôi, đặc biệt là trẻ nhỏ nhiễm khuẩn Salmonella.

Các chuyên gia không phản đối việc nuôi và tiếp xúc với chó mèo. Tuy nhiên, họ đề xuất các phương pháp có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh như rửa tay ngay sau khi chơi với thú cưng, sau khi dọn ổ, đồ chơi và phân. Mọi người không nên để vật nuôi liếm lên mặt hoặc vết thương hở; đồng thời cần giám sát trẻ nhỏ khi chơi với thú cưng, hướng dẫn các em rửa tay ngay sau khi làm điều này.

Nên ăn chín, uống sôi; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch trước và sau ăn hay tiếp xúc với đất, cát, nguồn nước bẩn, động vật; sau khi đi vệ sinh…

Mỗi người cũng nên chủ động tẩy giun định kỳ mỗi năm ít nhất hai lần, thu gom rác thải đúng nơi quy định, thường xuyên vệ sinh chuồng trại cho chó mèo và tẩy giun định kỳ.

Ngoài ra, ký sinh trùng chỉ là một trong nhiều nguyên nhân gây nổi mề đay, ngứa da. Do đó, người bệnh nên đi khám để xét nghiệm, tìm nguyên nhân chính xác và có phương án điều trị phù hợp.

Giang Thu (T/H)