Khoa học & Công nghệ

Âm lịch dưới góc nhìn khoa học

(khoahocdoisong.vn) - Khác với Dương lịch có cơ sở chính là chu kỳ quỹ đạo của Trái Đất thì Âm lịch lại dựa nhiều hơn vào chu kỳ của Mặt Trăng.

Ngũ hành và can chi

Khi chưa biết tới việc vật chất cấu tạo từ các phân tử và nguyên tử, nhiều nền văn hóa trên thế giới đã cố gắng giải thích tự nhiên bằng cách cho rằng mọi thứ đều được tạo ra từ những thành phần cơ bản nhất nào đó. Ở phương Tây, quan điểm phổ biến cho rằng 4 yếu tố cơ bản là đất, nước, không khí và lửa. Trong khi đó, văn hóa phương Đông cho rằng có 5 yếu tố như vậy - được gọi là "ngũ hành" - gồm: Kim (kim loại), Mộc (gỗ), Thủy (nước), Hỏa (lửa) và Thổ (đất).

Ngũ hành nêu trên tương ứng với chính 5 hành tinh được quan sát trên bầu trời vào thời điểm đó: Sao Thủy, Sao Kim, Sao Hỏa, Sao Mộc và Sao Thổ. Khi quan sát năm hành tinh này, người phương Đông cổ nhận thấy mỗi hành tinh đều có một chu kỳ nhất định để chúng trở về vị trí cũ so với nền trời sao. Cụ thể như sau: Sao Thủy: khoảng 0,25 năm; Sao Kim: khoảng 0,6 năm; Sao Hỏa: khoảng 2 năm; Sao Mộc: khoảng 12 năm; Sao Thổ: khoảng 30 năm.

Sao Hỏa cứ hai năm lại về vị trí cũ, nên mỗi chu kỳ của nó được coi tương ứng với một hành trong ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ), mỗi hành hai năm như vậy nên có một năm mang tính dương và một năm mang tính âm. Tổng cộng mỗi chu kỳ như vậy là 10 năm, vậy nên người ta đặt ra 10 can tương ứng với âm và dương của mỗi hành. 10 can gồm: Giáp, Ất tương ứng với Mộc; Bính, Đinh tương ứng với Hỏa; Mậu, Kỷ tương ứng với Thổ; Canh, Tân tương ứng với Kim; Nhâm, Quý tương ứng với Thủy.

Trong khi đó Sao Mộc hết khoảng 12 năm trở về vị trí cũ. Con số 12 này cũng trùng với số tuần Trăng trung bình của một năm. Vậy nên 12 chi được đặt ra, mỗi chi gắn vào một năm theo chu kỳ này và vào một tháng trong năm. Sao Mộc có chu kỳ trùng khớp như vậy nên còn được gọi là Tuế Tinh. 12 chi gồm có: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.

Mỗi năm âm lịch được gọi tên bằng một can đi với một chi, ví dụ năm 2019 này tương ứng với năm Âm lịch là Kỷ Hợi. Vì bội số chung nhỏ nhất của 10 và 12 là 60 nên có thể thấy ngay rằng cứ 60 năm thì chu kỳ mới kết thúc.

Ngày

Về cơ bản nguyên tắc tính ngày của người phương Đông trước kia cũng giống như của người phương Tây. Ngày nay chúng ta biết rằng một ngày là khoảng thời gian để Trái Đất tự quay một vòng quanh trục của nó. Tuy nhiên người xưa chưa biết qui luật thiên văn này, mà tính ngày dựa trên vị trí của Mặt Trời trên bầu trời. Mốc được chọn là khi Mặt Trời lên cao nhất vào giữa trưa. Khoảng thời gian giữa hai lần giữa trưa liên tiếp được gọi là một ngày.

Trong khi ở phương Tây một ngày được chia thành 24 giờ theo cách chúng ta sử dụng rộng rãi ngày nay thì ở phương Đông thì một ngày chia thày 12 canh, được gọi tên theo 12 chi là Tí, Sửu, ... cho tới Hợi, trong đó canh Tí kéo dài từ 11h đêm hôm trước đến 1h sáng hôm sau, do đó cũng có nhiều tài liệu cho rằng ngày trong âm lịch sớm hơn ngày trong dương lịch 1 giờ. Thời điểm giữa trưa của ngày âm lịch tương ứng với canh Ngọ, kéo dài từ 11h đến 13h.

Tháng

Tháng trong âm lịch của chúng ta dựa vào chu kỳ của Mặt Trăng trên bầu trời. Mặt Trăng là vệ tinh tự nhiên của Trái Đất, nó chuyển động trên quĩ đạo quanh Trái Đất theo chu kỳ 27,32 ngày. Tuy nhiên vì trên thực tế Trái Đất còn có chuyển động quanh Mặt Trời nên phải mất thêm một khoảng thời gian nữa để Mặt Trăng về vị trí cũ khi quan sát từ Trái Đất, khiến cho chu kỳ của Mặt Trăng được quan sát là 29,53 ngày. Chu kỳ này gọi là một tuần Trăng. Người phương Đông trước đây lấy một tuần Trăng này làm độ dài cho một tháng. Ngày mùng 1 mỗi tháng bắt đầu vào ngày có điểm không Trăng, âm lịch thường gọi là điểm sóc. Đây là điểm mà toàn bộ phần tối của Mặt Trăng quay về phía Trái Đất, hoàn toàn không thể nhìn thấy Mặt Trăng vào ban đêm.

(Còn tiếp)

Đặng Vũ Tuấn Sơn, Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam