Ngân hàng

Agribank mất trắng vốn ở một số công ty con và liên doanh

  • Tác giả : Tuấn Thủy
(khoahocdoisong.vn) - Năm 2019, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) ghi nhận hơn 2.500 tỷ đồng góp vốn, đầu tư dài hạn. Lãi thu về từ khoản đầu tư này chỉ có 31 tỷ đồng, tương đương lãi suất 1,2%/năm, thấp hơn rất nhiều so với lãi suất tiền gửi ở TCTD khác.

Theo báo cáo tài chính riêng lẻ có kiểm toán năm 2019, tổng tài sản của Agribank ước đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 13% so với năm ngoái. Trong đó, khoản góp vốn, đầu tư dài hạn được ghi nhận 2.520 tỷ đồng, cùng trích lập dự phòng giảm giá đầu tư dài hạn lên đến 567 tỷ đồng. Đầu tư vào các công ty con là 2.432 tỷ đồng, chiếm 96,5% tổng số tài sản để góp vốn, đầu tư dài hạn.

Trong số 6 công ty con của Agribank, Công ty cho thuê tài chính II (ALC II)  tuyên bố phá sản và bị thu hồi giấy phép hoạt động. Số tiền Agribank đầu tư vào ALC II là 294,4 tỷ đồng vì thế không thể thu hồi. Ngân hàng đã trích lập dự phòng 100% giá trị khoản đầu tư và xin ý kiến của cơ quan thẩm quyền để xử lý rủi ro khoản đầu tư này.

Công ty cho thuê tài chính I (ALC I) được đầu tư 172 tỷ đồng hiện tại cũng đang bên bờ vực phá sản, bị công ty Kiểm toán Deloitte nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục trong nhiều năm nay. Theo báo cáo tài chính, tại ngày 31/12/2019, ALC I có lỗ lũy kế là 668 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu (CSH) âm 392 tỷ đồng. Ngoài ra, nợ phải trả quá hạn là 450 tỷ đồng, trong đó có 427 tỷ đồng là nợ lãi phải trả Agribank. Vốn CSH âm, về bản chất là tài sản bị dịch chuyển đi chỗ khác hay nói cách khác, vốn của hệ thống khách hàng đã bị chiếm dụng. Hiện, tính riêng Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đang chật vật thu hồi số tiền hàng nghìn tỷ đồng từ ALC I và ALC II.

Ngoài công ty con, góp vốn công ty liên doanh cũng khiến Agribank mất trắng 8 tỷ do công ty TNHH Liên doanh Quản lý Đầu tư Agribank – VGFM (AVIM) đang trong quá trình tiến hành các thủ tục giải thể.

Tính đến 31/12/2019, số vốn điều lệ của Agribank đạt 30.591 tỷ đồng. Do là ngân hàng 100% sở hữu nhà nước, nên việc tăng vốn điều lệ gặp nhiều khó khăn, khiến tốc độ tăng vốn điều lệ luôn thấp hơn tốc độ tăng tổng tài sản. Theo đó, tỷ lệ an toàn vốn giảm mạnh, thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân.

Mới đây, Agribank kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm xem xét cấp bổ sung 20.000 tỷ đồng vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước cho Agribank theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt và lộ trình đã báo cáo NHNN.

Tuấn Thủy