KINH TẾ

97% doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong đầu tư khoa học công nghệ

  • Tác giả : An Quý
(khoahocdoisong.vn) - Bởi đây là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ, nên gặp nhiều khó khăn thách thức về nguồn vốn, tiếp cận vốn, đặc biệt trình độ kiến thức khoa học và công nghệ, mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Đó là những chia sẻ của ThS Nhà báo Phan Thị Mỹ Yến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong hội nghị bàn về giải pháp hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp điển hình sáng tạo hậu Covid-19 vừa được tổ chức tại TPHCM.

Hậu Covid-19 chính là một trong những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên sẽ còn nhiều thách thức về tiêu chuẩn hàng hóa, hàng rào kỹ thuật...

Hậu Covid-19 chính là một trong những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên sẽ còn nhiều thách thức về tiêu chuẩn hàng hóa, hàng rào kỹ thuật... 

Các chuyên gia nhấn mạnh hậu Covid-19 chính là một trong những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng chuyển biến tích cực, hàng hóa thị trường Việt Nam có nhiều biến động bởi sự giao thương các nước ngày càng dễ dàng, nhiều nước đã ký kết bàn giao và miễn giảm thuế xuất nhập khẩu một số mặt hàng thiết yếu cho Việt Nam.

Đặc biệt, Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) đã giúp kinh tế Việt Nam nhiều cơ hội phát triển và Việt Nam đã trở thành đối tác phát triển toàn diện với Hoa Kỳ cũng như nhiều nước khác trên thế giới. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư như xuất khẩu, đầu tư, chuyển giao công nghệ… Nghiên cứu khoa học và công nghệ sẽ thúc đẩy khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Tiêu chuẩn hàng hóa, hàng rào kỹ thuật… sẽ ngày càng khắt khe, tạo nhiều áp lực cho doanh nghiệp Việt Nam. Đổi mới hoạt động khoa học và công nghệ lấy doanh nghiệp làm trung tâm sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là ở các thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ, châu Úc…

Các chuyên gia nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần kịp thời tìm giải pháp phù hợp và hiệu quả, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường là yếu tố quan trọng. Ứng dụng khoa học và công nghệ, xây dựng quy trình quản lý, đạt tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Hiện nay, các doanh nghiệp có nhu cầu lớn về đầu tư phát triển khoa học và công nghệ nhưng khá nhiều doanh nghiệp còn yếu kém, chưa đủ tiềm lực và định hướng trong chiến lược phát triển.

Với mục tiêu và chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực quốc gia, phát triển khoa học và công nghệ bền vững nhờ sự nỗ lực phấn đấu chung của cả nước, ngành khoa học và công nghệ Việt Nam đã được xếp hạng 45/126 quốc gia với các lĩnh vực như công nghệ sinh học, hóa dầu, vật liệu, năng lượng, tự động hóa, nano, công nghệ tính toán, y học…

An Quý