Khám phá

90% người dân ăn mặn, nhưng Việt Nam vẫn thuộc top thiếu i-ốt nhất thế giới vì thói quen này

Dù người dân Việt Nam ăn rất mặn, nhưng trong các loại gia vị chế biến đó lại không hề có i-ốt, đó chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu i-ốt trên diện rộng.

Vì sao ăn mặn nhưng vẫn thiếu i-ốt?

Mới đây, Viện Dinh dưỡng Quốc gia công bố thông tin, Việt Nam đang là một trong 19 quốc gia có tình trạng thiếu i-ốt tồi tệ nhất thế giới.

Ngay sau khi công bố thông tin trên, nhiều người đã đặt ra nghi ngờ, bởi trước đó Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cũng công bố số liệu cho rằng, 90% người dân Việt Nam ăn mặn.

Việc ăn mặn này cũng ảnh hưởng vô cùng lớn đến sức khỏe, đặc biệt là làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm như: tăng huyết áp, dẫn đến tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh tim mạch khác.

Việt Nam đang là một trong những quốc gia thiếu i ốt trầm trọng nhất thế giới.

Liên quan đến vấn đề này, Ths.BS Trần Khánh Vân – Phó trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho rằng, việc người dân ăn mặn không có nghĩa là đảm bảo đủ lượng i-ốt cần thiết cho cơ thể.

Theo lý giải của BS Vân, từ năm 2006 đến năm 2016 Chính phủ ban hành nghị định 09 về việc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm trong đó có muối i-ốt.

Tuy nhiên, việc tăng cường này là hoàn toàn tự nguyện, vì thế các doanh nghiệp chế biến thực phẩm có thể tăng cường hoặc không tăng cường i-ốt vào các sản phẩm của mình.

Dù người dân dùng nhiều lại sản phẩm gia vị trong thực phẩm nhưng lại không có hàm lượng i-ốt.

Còn người dân đa phần lại lựa chọn các sản phẩm không có i-ốt. “Theo số liệu khảo sát đánh giá của Viện Dinh dưỡng Quốc gia về vấn đề này, chỉ có 6% người dân chủ động lựa chọn muối i-ốt trong chế biến thực phẩm hàng ngày. Điều đó có nghĩ là có đến 94% người dân không lựa chọn các sản phẩm có muối i-ốt trong chế biến sản phẩm”, BS Vân cho hay.

BS Vân cho rằng, chính thói quen lựa chọn gia vị chế biến hàng ngày của người dân, cùng với việc các doanh nghiệp sản xuất không chủ động bổ sung i-ốt trong các sản phẩm của mình, chính là nguyên nhân khiến tình trạng thiếu i-ốt quay trở lại.

“Hiện nay, người dân chủ yếu sử dụng các loại gia vị như nước mắm, hạt nêm, bột canh trong chế biến thức ăn hàng ngày. Tuy nhiên, những sản phẩm đó lại không có hàm lượng i-ốt, chính vì thế dù người dân ăn mặn, nhưng vẫn ở trong tình trạng thiếu i-ốt”, BS Vân phân tích.

Nói về giải pháp giải quyết vấn đề thiếu i-ốt, BS Vân cho biết, hiện chưa chưa có chế tài nào xử phạt việc các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chế biến không bổ sung muối i-ốt vào trong sản phẩm. Chính vì thế, việc nâng cao ý thức người dân và cảnh báo những hệ lụy của việc thiếu i-ốt đối với sức khỏe là vô cùng cần thiết.

Thiếu i-ốt gây hệ lụy nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của con người, đặc biệt là bệnh bướu cổ.

Thiếu i-ốt ảnh hưởng đến sự phát triển từ khi còn là bào thai

Chia sẻ về vai trò của i-ốt đối với sự phát triển của con người, Ths.BS Khánh Vân cho biết, i-ốt là một vi chất dinh dưỡng, chất khoáng vô cùng quan trọng trong vấn đề phát triển cơ thể, tuy nhiên cơ thể không thể tự tổng hợp được i-ốt mà phải hấp thu từ nguồn thức ăn bên ngoài.

“Ngay từ thời kỳ bào thai thai nhi đã phụ thuộc vào sự hấp thu i-ốt từ người mẹ và trong suốt quá trình phát triển của cuộc đời, tùy vào từng giai đoạn khác nhau thiếu i-ốt mang ảnh hưởng đến cơ thể khác nhau.

Ví dụ như từ tuần thai thứ 12 thai nhi đã sử dụng i-ốt để sản xuất hóc môn tuyến giáp trạm, là hormone rất cần thiết để duy trì cho sự sống.

Sau đó ở các giai đoạn khác nhau của cuộc đời, thiếu i-ốt sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe như biếu cổ, thiểu năng giáp trạm, giảm phát triển thể lực, phát triển ở trẻ em và giảm khả năng lao động đối với người trưởng thành”, BS Vân cảnh báo.

Còn theo Unicef (Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc), i-ốt là vi chất rất cần thiết cho hoạt động chính xác của tuyến giáp. Khi lượng i-ốt ăn vào giảm xuống dưới mức khuyến cáo, tuyến giáp có thể không còn khả năng tổng hợp đủ lượng hormone, gây ra các tác động lên não đang phát triển của trẻ sơ sinh khiến trẻ kém thông minh, ở phụ nữ mang thai dễ sảy thai, thai chết lưu, người bình thường mắc bướu cổ.

Nhu cầu i-ốt ở trẻ em theo khuyến nghị từ 90-120 mcg/ ngày, người lớn từ 150cmg. Các rối loạn do thiếu i-ốt hoàn toàn có thể phòng tránh bằng cách bổ sung trong bữa ăn hàng ngày. Ngoài muối i-ốt, các thực phẩm giàu i-ốt là các loại cá biển, rong biển, rau dền, rau cải xoong, tảo…

Theo Khampha.vn

Từ Khoá