Y học và đời sống

80% bệnh nhân ung thư phổi phát hiện muộn, dự phòng cách nào?

  • Tác giả : Bác sĩ Phạm Văn Luận
Khoảng 80% bệnh nhân ung thư phổi được chẩn đoán khi bệnh đã ở giai đoạn muộn... Vì vậy, dự phòng, sàng lọc nhằm phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn sớm là hết sức quan trọng.
Ung thư phổi là loại ung thư thường gặp và cũng là nguyên nhân gây tử vong do ung thư hàng đầu - Ảnh minh hoạ

Ung thư phổi là loại ung thư thường gặp và cũng là nguyên nhân gây tử vong do ung thư hàng đầu - Ảnh minh hoạ

Ung thư phổi là loại ung thư thường gặp nhất và cũng là nguyên nhân gây tử vong do ung thư hàng đầu trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Khoảng 80% bệnh nhân ung thư phổi được chẩn đoán khi bệnh đã ở giai đoạn muộn với các triệu chứng trên lâm sàng như ho, đau ngực, khó thở, sút cân...

Mặc dù đã có nhiều tiến bộ vượt bậc trong chẩn đoán sớm và điều trị, tuy nhiên, chỉ khoảng 19% bệnh nhân ung thư phổi nói chung có thời gian sống thêm ≥ 5 năm ở tất cả các giai đoạn được chẩn đoán.

Đối với giai đoạn IV, thời gian sống thêm 5 năm rất thấp, chỉ khoảng 2%. Với tiên lượng xấu như vậy, bài toán được đặt ra không chỉ dừng lại ở vấn đề điều trị khi đã phát hiện ra bệnh mà dự phòng, sàng lọc nhằm phát hiện UNG THƯ PHỔI ở giai đoạn sớm là hết sức quan trọng.

Dự phòng bằng cách nào?

Các báo cáo hiện nay cho thấy, có đến 80 – 90% bệnh nhân ung thư phổi có liên quan đến tiền sử hút thuốc, người bệnh hút thuốc chủ động hay thụ động (tức là thường xuyên hít phải khói thuốc do người khác hút xả ra) đều có nguy cơ mắc ung thư phổi ngang nhau.

Do đó, bỏ hút thuốc và nói không với thuốc lá, thuốc lào là điều tiên quyết để tránh nguy cơ mắc ung thư phổi. Các yếu tố khác được đề cập đến như ô nhiễm môi trường bởi khói bụi, hóa chất, ô nhiễm thực phẩm… cũng tiềm ẩn nguy cơ mắc các loại ung thư trong đó có ung thư phổi. Đây là những yếu tố mà mỗi chúng ta có thể chủ động cải thiện để giảm nguy cơ ung thư cho bản thân, gia đình và toàn xã hội.

Ai là đối tượng cần phải sàng lọc để phát hiện sớm ung thư phổi?

Hiện nay, Hiệp hội ung thư lâm sàng Hoa Kỳ và Mạng lưới ung thư quốc gia của Hoa Kỳ đã khuyến cáo sàng lọc ung thư phổi cho các đối tượng có yếu tố nguy cơ cao là người có độ tuổi 55 – 74 tuổi, có tiền sử hút thuốc lá ít nhất 30 bao – năm, hiện tại đang hút thuốc lá hoặc đã bỏ chưa quá 15 năm, có sức khỏe tương đối tốt.

Hoặc: Người có tuổi từ 50 trở lên, có tiền sử hút thuốc ít nhất 20 bao – năm và có các yếu tố nguy cơ khác như hút thuốc lá thụ động, tiền sử gia đình, tiếp xúc khói bụi độc hại, có bệnh phổi mạn tính khác như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Với các trường hợp có yếu tố nguy cơ ở mức độ trung bình và mức độ thấp, không khuyến cáo sàng lọc ung thư phổi.

- Các trường hợp có yếu tố nguy cơ trung bình là người từ 50 tuổi trở lên, có tiền sử hút thuốc lá ít nhất 20 bao – năm nhưng không kèm theo các yếu tố nguy cơ khác.

- Các trường hợp có yếu tố nguy cơ thấp là người dưới 50 tuổi, có tiền sử hút thuốc dưới 20 bao – năm.

Sàng lọc ung thư phổi bằng cách nào?

Việc sàng lọc ung thư phổi bằng Xquang ngực chuẩn và tìm tế bào ác tính trong đờm đã được thực hiện từ những năm 1940. Những nghiên cứu lúc bấy giờ đã chỉ ra rằng, việc sàng lọc ung thư giúp thêm nhiều ca được chẩn đoán ung thư phổi, tăng tỉ lệ bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn sớm và một tỉ lệ lớn bệnh nhân giai đoạn sớm có thời gian sống thêm trên 5 năm.

Tuy nhiên, các phương pháp này có độ nhạy và độ đặc hiệu thấp, tức là kém khả năng phát hiện các trường hợp bị ung thư và dễ bỏ sót cả những bệnh nhân bị ung thư phổi thực sự.

Chụp cắt lớp vi tính liều thấp (LDCT: Low – dose Computed Tomography) là một lựa chọn hiện nay được ưu tiên để sàng lọc ung thư phổi. Thay vì phải sử dụng liều chiếu cao và chụp trong thời gian dài như chụp cắt lớp vi tính thường quy, chụp cắt lớp vi tính liều thấp chỉ dùng liều chiếu 0,15 mSv trong vòng 15 giây để chụp xong 1 ca và khả năng phát hiện tổn thương nghi ngờ ác tính ở phổi của nó là tương đương với chụp cắt lớp vi tính ngực thường quy. Hiện nay, người ta coi đây là phương pháp chuẩn để sàng lọc ung thư phổi.

Về vai trò của các dấu ấn ung thư (tumour markers): trong ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng thường có các dấu ấn ung thư bản chất là peptide được tiết ra bởi các tế bào ung thư, chúng thường không có hoặc có với nồng độ rất thấp trong huyết thanh của người bình thường.

Sự xuất hiện bất thường của các chất này trong huyết thanh có thể là chỉ điểm đến sự xuất hiện của 1 loại ung thư trong cơ thể, từ đó gợi ý cho các bác sĩ kết hợp các biện pháp chẩn đoán khác để đưa ra kết luận cuối cùng.

Tuy nhiên, dù các dấu ấn ung thư này có giá trị bình thường cũng không thể loại trừ được khả năng người bệnh nhân có ung thư phổi. Vì vậy, mục đích chính của các dấu ấn ung thư là chỉ số có ý nghĩa trong theo dõi, đánh giá đáp ứng của ung thư với các biện pháp điều trị, có vai trò chính trong tiên lượng bệnh. Trong ung thư phổi, các loại dấu ấn ung thư thường được sử dụng bao gồm: CEA, Cyfra 21-1, SCC, NSE, Pro-GRP.

Những năm gần đây, các nhà khoa học trên Thế giới đang nghiên cứu về vai trò của các microRNA – là một vật chất di truyền có tiềm năng trong chẩn đoán sớm các loại ung thư. Tuy nhiên, vai trò trong chẩn đoán sớm ung thư phổi cần thời gian để đánh giá thêm.

Phát hiện sớm giúp kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân - Ảnh minh họa

Phát hiện sớm giúp kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân - Ảnh minh họa

Các phương pháp điều trị ung thư phổi hiện nay ra sao?

Điều trị ung thư phổi hiện nay là điều trị theo hướng đa mô thức bao gồm các biện pháp phẫu thuật, xạ trị, hóa chất, điều trị đích, liệu pháp miễn dịch và điều trị tại chỗ. Mục đích điều trị ung thư phổi hiện nay là giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống thêm cho bệnh nhân.

Cơ sở chính để lựa chọn biện pháp điều trị đối với bệnh nhân ung thư phổi là: giai đoạn bệnh theo TNM, typ mô bệnh học (tế bào nhỏ hay không tế bào nhỏ, tế bào vảy hay không phải tế bào vảy), tình trạng đột biến gen, biểu lộ miễn dịch, toàn trạng của bệnh nhân và các bệnh đồng mắc.

Với bệnh nhân ung thư phổi tế bào nhỏ, do đặc điểm tiến triển nhanh và di căn sớm nên biện pháp cơ bản đối với týp tế bào này là điều trị toàn thân bằng hóa chất hoặc hóa chất kết hợp xạ trị, miễn dịch.

Các biện pháp được đề cập dưới đây tập trung vào bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ.

- Với bệnh nhân giai đoạn sớm: Phẫu thuật là biện pháp triệt căn được lựa chọn hàng đầu và mang lại hiệu quả tốt nhất cho bệnh nhân giai đoạn này. Chỉ định phẫu thuật không chỉ căn cứ vào giai đoạn của khối u mà còn phải bao gồm cả chỉ định từ phía bệnh nhân.

Có nghĩa là bệnh nhân phải không có bệnh lý nặng kết hợp như các bệnh phổi mạn tính, suy tim, nhồi máu cơ tim, các bệnh lý mạch máu ngoại vi, suy thận, bệnh lý mạn tính của gan..., và cần có một chức năng hô hấp tốt.

Tuy nhiên, có khoảng 25% bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn sớm không có chỉ định phẫu thuật do các bệnh lý kết hợp nặng hoặc chức năng hô hấp kém. Với các trường hợp như vậy, xạ trị lập thể định vị thân (Stereotactic Body Radiation Therapy - SBRT) là một biện pháp điều trị triệt căn hiệu quả, ít tác dụng phụ và mang lại đáp ứng điều trị cũng như thời gian sống thêm tương đương với phẫu thuật.

- Với các bệnh nhân còn khả năng phẫu thuật: phẫu thuật vẫn là biện pháp chính mang lại kết quả tốt. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể được điều trị với hóa chất, xạ trị bổ trợ trước mổ hoặc điều trị bổ trợ sau mổ để mang lại hiệu quả cao nhất.

- Với bệnh nhân giai đoạn III không mổ được: điều trị hóa xạ trị đồng thời sau đó duy trì bằng Durvalumab 10mg/kg cân nặng mỗi 2 tuần cho kết quả rất tốt về đáp ứng điều trị cũng như kéo dài thời gian sống thêm cho người bệnh.

- Với bệnh nhân giai đoạn muộn, đã có tiến triển tại chỗ hoặc di căn xa: điều trị toàn thân là chỉ định tốt nhất. Các biện pháp này bao gồm: điều trị hóa chất, điều trị đích và điều trị miễn dịch, kết hợp với điều trị tại chỗ các vị trí u nguyên phát và các ổ di căn như xạ phẫu hoặc xạ toàn não với di căn não, xạ trị giảm đau xương.

+ Về hóa trị, mặc dù hiện nay các thế hệ hóa chất ra đời đã mang lại kết quả điều trị cao hơn và giảm các tác dụng không mong muốn cho người bệnh. Tuy nhiên, thể trạng của người bệnh là một yếu tố quan trọng để cân nhắc lựa chọn phác đồ điều trị. Bên cạnh đó, các tác dụng phụ đặc biệt là giảm bạch cầu dẫn đến viêm phổi cũng cần được theo dõi và điều trị kịp thời.

+ Điều trị đích với các loại đột biến gen như EGFR, ALK, ROS1, BRAF, MET…, ngày càng được áp dụng rộng rãi trên Thế giới và Việt Nam. Trong đó, đột biến gen EGFR là loại đột biến gen phổ biến nhất tại Việt Nam và có nhiều loại thuốc để lựa chọn nhất.

Kết quả điều trị cho thấy, các loại thuốc đích này mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn và kéo dài thời gian sống thêm tốt hơn cho người bệnh so với hóa trị, nhất là vẫn có thể điều trị được với bệnh nhân thể trạng kém.

Tuy nhiên, vấn đề giá thành là một cản trở không nhỏ đối với bệnh nhân ung thư phổi ở nước ta, khi mà các loại thuốc này còn đắt và chưa được chi trả hoàn toàn bởi bảo hiểm y tế, bên cạnh đó, một số loại thuốc đích hiện nay cũng chưa có mặt tại Việt Nam.

Một số loại thuốc đích hiện có phổ biến tại Việt Nam là Gefitinib, Erlotinib, Afatinib, Osimertinib cho đột biến gen EGFR; Crizotinib, Ceritinib cho đột biến ALK và ROS1…

Điều trị miễn dịch: đây là một biện pháp không phải bây giờ mới được áp dụng. Tuy nhiên, với việc phát hiện ra các yếu tố biểu lộ miễn dịch PD-L1/PD-1 và CTLA-4 của 2 nhà khoa học Honjo Tasuku người Nhật Bản và Jame P.Allison người Mỹ được trao giải Nobel Y học năm 2018, các thuốc điều trị miễn dịch ức chế các chốt kiểm soát đã ra đời, mang lại hiệu quả tốt cho người bệnh, đặc biệt là nhóm bệnh nhân không mang đột biến gen. Các thuốc miễn dịch đang được sử dụng tại Việt Nam là Pembrolizumab, Atezolizumab...

Cùng với điều trị đích, điều trị miễn dịch là một cánh cửa mới, mở ra con đường tươi sáng hơn trong điều trị bệnh nhân ung thư phổi. Với ung thư phổi không tế bào nhỏ, từ khi có điều trị đích và điều trị miễn dịch, tỉ lệ sống thêm 5 năm ở bệnh nhân giai đoạn di căn xa đã có những thay đổi đáng kể từ 15 – 50% tùy thuộc vào loại biomarker.

Với sự phát triển không ngừng của khoa học và y học, cơ hội để bệnh nhân ung thư phổi có thể được phát hiện sớm, chẩn đoán sớm, điều trị triệt căn ở giai đoạn sớm của bệnh đang ngày càng tăng lên.

Và dù là giai đoạn muộn, bằng việc ra đời của nhiều biện pháp điều trị mới, cơ hội để có chất lượng cuộc sống tốt hơn và thời gian sống thêm dài hơn của người bệnh cũng ngày càng được mở ra.

Chúng ta có thêm niềm tin vào một ngày không xa, hy vọng ung thư phổi sẽ có thể trở thành một “Bệnh hô hấp mạn tính” như COPD hay giãn phế quản.

Để làm được điều đó, cần có sự chung tay của mỗi người dân trong việc phòng chống tác hại của thuốc lá, của Hệ thống y tế trong việc đảm bảo cung ứng cũng như chi trả các loại thuốc điều trị, của các nhà khoa học trong việc phát triển các loại thuốc mới và vai trò của người bác sĩ, điều dưỡng viên trong việc chẩn đoán, điều trị, tư vấn, chăm sóc người bệnh.

Bác sĩ Phạm Văn Luận (Khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Trung ương quân đội 108)

Bác sĩ Phạm Văn Luận