Khám phá

8 lưu ý quan trọng khi chọn mua màn hình đồ họa

  • Tác giả : Tuấn Huy (T/H)
Khi chọn mua một chiếc màn hình phục vụ nhu cầu đồ họa, các bạn nên xem xét kích thước màn hình, độ phân giải, cổng kết nối...

Kích thước màn hình

Kích thước màn hình là một yếu tố quan trọng mà bạn cần chú ý đến đầu tiên. Bởi một chiếc màn hình đủ lớn sẽ khiến hình ảnh sắc nét hơn và không gian hiển thị cũng sẽ rộng rãi hơn, đem đến cho bạn cái nhìn bao quát và rõ ràng.

Để mang đến không gian làm việc lớn hơn, những chiếc màn hình có kích thước lớn thường rất được ưa chuộng trong công việc thiết kế đồ họa. Nhưng, một chiếc màn hình với kích thước lớn phải đi kèm với độ phân giải phù hợp để tránh tình trạng vỡ hoặc nhòe hình.

Một số lựa chọn độ phân giải theo kích thước lý tưởng mà bạn có thể hướng tới:

24 inch FHD ( 1920x1080 ); 27 inch 2K ( 2560x1440 ); 32 inch 4K ( 3840x2160 )

Màn hình có kích thước vừa phải sẽ mang lại một không gian làm việc thoải mái, phục vụ tốt cho mọi nhu cầu của bạn. Bạn có thể mở được nhiều cửa sổ, di chuyển giữa các tab một cách thoải mái mà vẫn có được góc nhìn vừa phải. Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá tham lam mà chọn một chiếc màn hình quá rộng nhé! Bởi màn hình quá cỡ thì sẽ khiến màu sắc hiển thị không được chuẩn xác.

Giá thành

Hiện nay, màn hình máy tính với kích thước 24 inch trở lên giá thành sẽ dao động trong khoảng 5 đến 11 triệu đồng. Giá thành cũng là một trong những tiêu chí cần phải xem xét kĩ càng trước khi mua. Bởi một chiếc màn hình phù hợp với túi tiền và hợp với nhu cầu sử dụng của mình sẽ là một điều rất tuyệt vời cho dân thiết kế đồ họa.

Độ phân giải

Yếu tố tiếp theo cũng quan trọng không kém đó là độ phân giải của màn hình. Một chiếc màn hình lớn sẽ đem lại điểm ảnh hiển thị (Pixel) càng cao, với độ phân giải cao sẽ giúp bạn dễ dàng quan sát những chi tiết nhỏ, bản thiết kế cũng sẽ được tỉ mỉ hơn, cùng với đó là hình ảnh cũng sẽ được hiển thị một cách chân thực và sắc nét.

Trong ngành đồ họa, bạn nên chọn màn hình có độ phân giải khoảng: Full HD (1920x1080), 2K (2048 x 1080), 4K (3840x2160), 8K (7680 x 4320). Cụ thể hơn là đối với laptop thì độ phân tối thiểu nên là Full HD (1920x1080). Máy tính để bàn với màn hình 20 inch trở lên thì độ phân giải nên từ Full HD (1920x1080) trở lên hoặc tương đương.

Độ phủ màu

Độ phủ màu hay dải màu ( Color Gamut ) là một thuật ngữ chỉ tập hợp màu con, nằm trong giới hạn màu sắc thực tế. Thông số này biểu thị khả năng tái tạo màu sắc của các thiết bị hiển thị, kĩ thuật số, đồ họa và trong đó có màn hình máy tính. Độ phủ màu càng lớn sẽ cho chất lượng hiển thị màu sắc càng tốt hơn.

Phổ biến nhất, chúng ta sẽ gặp 3 dải màu tiêu chuẩn, gồm sRGB, Adobe RGB và DCI-P3.

sRGB - Dải màu truyền thống

sRGB là dải màu áp dụng cho màn hình, kỹ thuật in ấn và internet được Microsoft và HP giới thiệu vào năm 1996. Đây là một dải màu truyền thống và vẫn được coi là tiêu chuẩn màu của nhiều thiết bị ngày nay như camera, màn hình máy tính, điện thoại hay tivi. Ưu điểm của dải màu này là khả năng tương thích cao, phù hợp với nhiều thiết bị đầu xuất phổ thông như: máy in phun hoặc đăng lên mạng xã hội. Tuy nhiên, nhược điểm của sRGB chính là không gian màu không lớn, với những file ảnh in offset sẽ gặp hiện tượng mất khả năng tái tạo màu ở 1 số vùng, thường là gam xanh lá.

Adobe RGB - Dải màu đồ họa

Adobe RGB có không gian màu hiển thị rộng hơn đến 33% so với sRGB đặc biệt với vùng màu xanh lá. Được ra mắt từ năm 1998, Adobe RGB ghi nhận màu sắc độ tinh tế hơn, đặc biệt là ở vùng màu này. Khi so sánh với hệ màu sRGB, hình ảnh hiển thị theo dải màu Adobe RGB thường đậm và có chiều sâu hơn. Kết hợp với sức ảnh hưởng của Adobe cùng bộ phần mềm sáng tạo, độ phủ màu này dần trở nên thịnh hành và được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực đồ họa, in ấn offset.

DCI-P3 - Dải màu điện ảnh

Được ra mắt năm 2010 và được chọn làm tiêu chuẩn của ngành điện ảnh, DCI-P3 có độ phủ màu nhỏ hơn Adobe RGB và lớn hơn sRGB. Hầu hết các bộ phim phòng vé đều được chỉnh sửa hậu kỳ dựa trên không gian màu này nên DCI-P3 thường có chất màu tối ưu rất tốt cho việc xem phim và trong những năm gần đây đang trở thành trend với các tựa game để mang đến cho người chơi trải nghiệm chuẩn điện ảnh.

Cổng kết nối trên màn hình

Nên chọn cho mình những chiếc màn hình ít nhất phải sở hữu cổng kết nối HDMI hoặc Displayport bởi đây là hai cổng kết nối cho chất lượng hiển thị hình ảnh tốt hơn so với các cổng kết nối còn lại. Đặc biệt, trên một số dòng sản phẩm cao cấp còn sở hữu thêm cổng USB C, vừa đóng vai trò là cổng kết nối tín hiệu hình ảnh, vừa giúp sạc cho thiết bị kết nối, giúp cho góc máy của bạn hiện đại và gọn hơn rất nhiều. Các màn hình sở hữu cổng USB cũng nên được ưu tiên bởi trong công việc, các bạn sẽ phải sử dụng thêm khá nhiều thiết bị ngoại vi như bảng vẽ điện tử, thiết bị lưu trữ gắn ngoài… tiện hơn rất nhiều so với việc cúi xuống cắm vào chiếc PC./.

Tuấn Huy (T/H)