Tỷ lệ tử vong cao cần phát hiện sớm
Loét do tì đè (hay loét áp lực, loét do ép) là tổn thương da và mô dưới da do áp lực kéo dài lên da. Loét do tì đè xảy ra phổ biến ở những người phải nằm liệt giường, ngồi xe lăn, người không thể thay đổi tư thế của mình. Trung bình mỗi năm trên thế giới có 60.000 người tử vong do các nguyên nhân liên quan đến loét tì đè.
Những vùng da thường bị ảnh hưởng là những nơi có xương gần bề mặt da, như xương cụt, xương hông, gót chân và mắt cá chân. Tỷ lệ loét do tì đè ở các khoa phòng trung bình 10% - 15% và ở các khoa hồi sức cấp cứu từ 30% - 60%. Loét do tì đè làm tăng chi phí điều trị, thời gian chăm sóc và còn là nguyên nhân tăng tỉ lệ tử vong.
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ
Người cao tuổi có nguy cơ cao bị loét do tì đè do nhiều yếu tố:
- Da mỏng và khô: Ở người cao tuổi, da mất đi độ đàn hồi và trở nên mỏng hơn, làm tăng nguy cơ bị tổn thương khi chịu áp lực liên tục.
- Vận động hạn chế: Những người bệnh nằm lâu trên giường hoặc ngồi xe lăn trong thời gian dài thường có nguy cơ bị loét do không thể thay đổi tư thế thường xuyên.
- Bệnh lý nền: Các bệnh như tiểu đường, bệnh tim mạch và suy dinh dưỡng làm giảm khả năng hồi phục của da và tăng nguy cơ loét.
- Tuần hoàn kém: Người cao tuổi thường bị suy giảm tuần hoàn máu, đặc biệt là ở các vùng da tiếp xúc với mặt giường hoặc ghế, khiến da dễ bị tổn thương hơn.
Biểu hiện các giai đoạn loét tỳ đè - Ảnh BSCC |
Dấu hiệu nhận biết sớm
Loét do tì đè thường bắt đầu bằng những biểu hiện nhẹ nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng này có thể tiến triển nghiêm trọng hơn. Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo sớm:
- Da đỏ và không biến mất khi ấn: Đây là dấu hiệu đầu tiên của loét do tì đè, đặc biệt ở những vùng chịu áp lực cao như gót chân, mông, và xương cụt.
- Da có cảm giác nóng hoặc lạnh bất thường: Da ở những vùng chịu áp lực có thể thay đổi nhiệt độ so với các vùng khác trên cơ thể.
- Phồng rộp hoặc xuất hiện vết loét: Nếu không xử lý kịp thời, các vùng da này sẽ bị phồng rộp, sau đó hình thành vết loét sâu, gây đau đớn và dễ nhiễm trùng.
Các vị trí thường gặp của loét do tì đè
Đối với những người sử dụng xe lăn, vết loét thường xuất hiện ở vùng da sau:
- Xương cụt hoặc mông.
- Xương bả vai và cột sống.
- Mặt sau của cánh tay và chân tựa vào ghế.
Đối với những người phải nằm trên giường, vết loét có thể xảy ra ở:
- Phía sau hoặc hai bên đầu.
- Bả vai.
- Hông, lưng dưới hoặc xương cụt.
- Gót chân, mắt cá chân và vùng da phía sau đầu gối.
Biện pháp dự phòng loét do tì đè
Dự phòng loét do tì đè ở người bệnh cao tuổi là việc hết sức quan trọng, đặc biệt ở những người bệnh hạn chế vận động. Sau đây là một số biện pháp:
Thay đổi tư thế thường xuyên: Việc thay đổi tư thế người bệnh là một trong những biện pháp quan trọng nhất để ngăn ngừa loét do tì đè.
Người bệnh nằm lâu hoặc ngồi xe lăn trong thời gian dài cần được hỗ trợ thay đổi tư thế định kỳ, ít nhất mỗi 2 giờ đối với người nằm giường và mỗi 15 phút đối với người ngồi xe lăn. Điều này giúp giảm áp lực lên các vùng dễ bị tổn thương như xương cụt, gót chân, và khuỷu tay.
Nếu có thể, người bệnh cần được hướng dẫn thực hiện các động tác vận động nhẹ nhàng, tự điều chỉnh tư thế để kích thích tuần hoàn máu tốt hơn. Ngoài ra, việc sử dụng các công cụ hỗ trợ như gối đỡ hoặc đệm lót dưới các vùng chịu áp lực lớn có thể giúp duy trì tư thế đúng và phân tán trọng lượng cơ thể, từ đó giảm nguy cơ loét.
Sử dụng đệm giảm áp lực: Đệm giảm áp lực là những loại đệm đặc biệt được thiết kế để phân bố đều trọng lượng cơ thể, giảm thiểu áp lực lên các vùng da tiếp xúc nhiều với bề mặt giường hoặc ghế.
Các loại đệm này bao gồm đệm khí, đệm bọt nhớ, đệm nước hoặc đệm hơi. Đệm giảm áp lực giúp duy trì dòng máu lưu thông đến các vùng da nhạy cảm và ngăn ngừa tổn thương da do áp lực lâu dài.
Đối với người bệnh nằm lâu, việc chọn lựa đúng loại đệm là rất quan trọng. Một số đệm có khả năng điều chỉnh áp lực dựa trên trọng lượng và vị trí của người bệnh, mang lại sự thoải mái và ngăn ngừa loét hiệu quả.
Duy trì dinh dưỡng tốt: Người cao tuổi thường dễ bị suy dinh dưỡng, điều này khiến da và các mô mềm kém khả năng tái tạo và phục hồi. Một chế độ ăn cân đối, giàu protein, vitamin C, vitamin E, kẽm và khoáng chất là cần thiết để duy trì sức khỏe da và thúc đẩy quá trình lành vết thương.
Các thực phẩm giàu protein như: thịt, cá, trứng, và đậu nành sẽ giúp cung cấp nguyên liệu cho quá trình tái tạo tế bào da. Vitamin C từ trái cây họ cam quýt và rau xanh giúp tăng cường tổng hợp collagen, một yếu tố quan trọng trong việc giữ da săn chắc và đàn hồi. Bổ sung đầy đủ nước cũng là yếu tố không thể thiếu, giúp da duy trì độ ẩm và tránh tình trạng khô da.
Chăm sóc da đúng cách: Giữ cho da luôn sạch sẽ và khô ráo là điều cần thiết để tránh tình trạng nhiễm trùng hoặc kích ứng. Vùng da bị ẩm ướt, nhất là ở những khu vực dễ bị mồ hôi hoặc tiểu tiện, sẽ làm tăng nguy cơ bị loét.
Cần sử dụng các sản phẩm làm sạch nhẹ nhàng, tránh các hóa chất gây kích ứng da. Sau khi vệ sinh, người bệnh nên được lau khô da một cách nhẹ nhàng, tránh cọ xát mạnh. Sử dụng các loại kem dưỡng ẩm cho da sẽ giúp tăng cường lớp bảo vệ tự nhiên, ngăn ngừa khô da và giảm nguy cơ loét.
Ngoài ra, trong những trường hợp da đã có dấu hiệu tổn thương, các loại băng bảo vệ hoặc miếng dán giảm áp lực có thể được sử dụng để bảo vệ vùng da yếu.
Tăng cường tuần hoàn máu: Đối với người bệnh nằm lâu, các bài tập vận động nhẹ nhàng như co duỗi chân tay hoặc xoay cổ tay, cổ chân sẽ giúp kích thích lưu thông máu, ngăn ngừa hiện tượng máu lưu thông kém ở các chi và vùng cơ thể tiếp xúc với mặt giường.
Nếu người bệnh không thể tự vận động, người chăm sóc có thể thực hiện các bài tập thụ động, giúp di chuyển chân tay của bệnh nhân một cách nhẹ nhàng. Việc massage nhẹ các vùng da dễ bị loét cũng có thể giúp tăng cường lưu lượng máu đến các khu vực này.
Kết hợp các biện pháp dự phòng: Việc kết hợp các biện pháp trên sẽ mang lại hiệu quả tối đa trong dự phòng loét do tì đè. Một chương trình chăm sóc toàn diện bao gồm thay đổi tư thế, sử dụng đệm giảm áp lực, duy trì dinh dưỡng tốt, chăm sóc da đúng cách và tăng cường tuần hoàn máu không chỉ giúp ngăn ngừa loét do tì đè mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Chăm sóc người cao tuổi, đặc biệt là những người nằm liệt giường hoặc hạn chế vận động, đòi hỏi sự quan tâm chu đáo và kịp thời của nhân viên y tế cũng như người thân. Việc phòng ngừa loét không chỉ là trách nhiệm của điều dưỡng mà cần có sự phối hợp đồng bộ giữa người bệnh, gia đình và các chuyên gia y tế.
BSCKII. Nguyễn Đức Nhật (Khoa bệnh cấp tính và cấp cứu, Viện điều trị cán bộ cao cấp quân đội - Bệnh viện Trung ương quân đội 108)