Táo bón phổ biến nhất trong các bệnh lý về đường tiêu hóa trên thế giới với tỷ lệ 17% dân số toàn cầu, trong đó, chỉ 12% số người tự xác định được bệnh. Táo bón xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở những người trên 65 tuổi với tỷ lệ 30-40%. Phụ nữ có tỷ lệ mắc táo bón cao gấp 3 lần nam giới. Táo bón cũng thường xảy ra ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai.
Táo bón là một dạng rối loạn đường tiêu hóa, dẫn đến tình trạng đi phân không đều, phân khó đi kèm với cảm giác đau và cứng. Táo bón cấp tính có thể gây tắc ruột, thậm chí có thể phải phẫu thuật.
Biểu hiện thông thường ở người lớn, là việc không đi đại tiện quá 3 ngày; ở trẻ em, một tuần không thể đi đại tiện 3 lần.
Có rất nhiều nguyên nhân gây táo bón, ngoài do bệnh lý còn do chế độ ăn uống, sinh hoạt: Chế độ ăn ít chất xơ, dư thừa chất béo có nguồn gốc từ động vật, ăn nhiều đường, cà phê, trà, rượu, uống không đủ nước; lười vận động; thường xuyên trì hoãn việc đại tiện. Ở trẻ em, táo bón còn có thể do việc uống sữa bột (các loại sữa công thức trong thành phần ít chất xơ và quá nhiều đạm, đường.
Mắc bệnh lý thực thể: Nếu mắc các bệnh nứt hậu môn, tắc nghẽn ống tiêu hóa do khối u, trĩ huyết khối, to trực tràng vô căn sẽ dễ bị táo bón.
Để chữa trị táo bón cần hạn chế các món ăn càng nhiều táo bón càng dai dẳng khó khỏi sau:
Sản phẩm sữa
Thủ phạm phổ biến gây táo bón là sữa bò. Trẻ em và trẻ sơ sinh đặc biệt nhạy cảm với sữa bò, điều này có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa. Nguyên nhân là các protein trong sữa bò gây táo bón do nhu động ruột chậm và kích ứng.
Trong khi một số người có thể bị tiêu chảy do không dung nạp lactose, những người khác thấy rằng sữa góp phần gây ra chứng táo bón của họ.
![]() |
Thịt đỏ thường có liên quan đến táo bón do hàm lượng chất béo cao - Ảnh minh họa |
Thịt đỏ
Thịt đỏ thường có liên quan đến táo bón do hàm lượng chất béo cao và chất xơ protein dai khiến hệ tiêu hóa khó xử lý. Hàm lượng sắt có trong thịt đỏ cũng góp phần gây táo bón.
Thay vì dựa vào thịt đỏ để cung cấp protein, mọi người có thể lựa chọn thịt nạc hơn hoặc nguồn protein từ thực vật cung cấp nhiều chất xơ hơn.
Thực phẩm chế biến
Thực phẩm chiên hoặc chế biến nhiều, đồ ăn vặt như pizza hoặc khoai tây chiên cũng góp phần gây nguy cơ táo bón cao hơn. Những thực phẩm này thường giàu chất béo nhưng lại ít chất xơ, làm chậm quá trình tiêu hóa.
Ngoài ra, lượng muối cao trong những thực phẩm này có xu hướng làm mất nước vì chúng hút nước ra khỏi ruột, khiến phân khó đi qua hơn.
Thực phẩm chứa đường
Thực phẩm có đường như kẹo, chocolate và đồ ăn nhẹ có đường làm tăng nguy cơ mắc táo bón cao hơn. Những thực phẩm này thường chứa chất béo không lành mạnh và thiếu chất xơ cần thiết cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
Sự hiện diện của đường trong các sản phẩm khác nhau, bao gồm mứt và kem, làm trầm trọng thêm vấn đề do cung cấp lượng calo rỗng mà không có bất kỳ chất dinh dưỡng có lợi nào.
Thực phẩm đông lạnh
Mặc dù tiện lợi, các bữa ăn đông lạnh thiếu giá trị dinh dưỡng và góp phần gây táo bón do chứa nhiều muối, chất béo và chất bảo quản. Không phải tất cả thực phẩm đông lạnh đều có hại, trái cây và rau quả đông lạnh có thể có lợi vì chúng cung cấp chất xơ cần thiết cho sức khỏe tiêu hóa.
Biến chứng của táo bón lâu ngày
Táo bón lâu ngày không được điều trị có thể gây ra các biến chứng ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa nói riêng và sức khỏe người bệnh nói chung như:
Sưng tĩnh mạch ở hậu môn (bệnh trĩ)
Rách da ở hậu môn (nứt hậu môn)
Phân không thể tống ra ngoài được (phân áp lực)
Ruột lòi ra khỏi hậu môn (sa trực tràng)…
Ngoài ra, táo bón kéo dài cũng ảnh hưởng đến việc hấp thu dinh dưỡng của trẻ, dẫn đến tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng, chậm tăng cân, chậm phát triển chiều cao và trí não; ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ do táo bón gây khó chịu, quấy khóc nhiều dẫn đến mệt mỏi, ngủ không ngon giấc…
BS Đinh Minh Trí (Đại học Y dược TP HCM)