Khám phá

5 cách đơn giản, hiệu quả cần làm ngay để bảo mật danh tính khi online

  • Tác giả : Tuấn Huy (T/H)
Nhiều người dùng mạng trên các thiết bị như điện tử không có nhận thức trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân vì họ cho rằng không cần thiết. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, rủi ro mà việc rò rỉ dữ liệu gây ra là vô cùng nguy hiểm.

Việc bảo mật danh tính khi online đang là điều người dùng quan tâm hơn bao giờ hết, nhất là khi nạn đánh cắp thông tin, lừa đảo qua mạng ngày càng gia tăng.

Sử dụng mật khẩu khó đoán

Đây có lẽ là sai lầm thường thấy khi nhiều người thường chọn các mật khẩu khá phổ biến như 123456 hay abcdef để cho dễ nhớ. Việc làm này đã tạo điều kiện cho tội phạm có thể dễ dàng tiếp cận đến các tài khoản mạng xã hội hay nguy hiểm hơn là thẻ tín dụng chỉ qua vài thao tác tấn công đơn giản.

Hãy cố gắng đặt mật khẩu có chứa cả từ in hoa, chữ in thường, ký hiệu và chữ số nhằm nâng cao tính bảo mật cho mật khẩu của bạn. Nếu bạn sợ mình đãng trí thì có thể ghi chú lại trong sổ, hoặc một mảnh giấy và cất vào ví để tránh trường hợp quên mất.

Không nhấp vào các đường link lạ

Đôi khi bạn sẽ gặp tình trạng nhận được các đường link lạ từ tin nhắn, hoặc Gmail nhưng không tài nào phân biệt liệu đó có phải là đường link an toàn không, nhất là đối với những người ít có kinh nghiệm sử dụng máy tính. Việc vô tình truy cập vào các đường link lạ này sẽ có thể tạo cơ hội cho kẻ gian đánh cắp lấy thông tin của bạn.

Để đảm bảo tính an toàn trước khi truy cập vào một đường link nào, bạn có thể thực hiện kiểm tra tên miền trước trên công cụ tìm kiếm của Google nhằm biết được xếp hạng uy tín của đường link này.

Ngoài ra, còn một đặc điểm để nhận biết link lạ đó là thường có tiêu đề giật gân, và nếu bạn cảm thấy bản thân bị cuốn hút một cách tức thời thì bạn nên cẩn thận với kiểu đường link này.

Bật tính năng xác minh 2 bước

Xác thực hai yếu tố (2FA) cung cấp cho tài khoản một lớp bảo mật bổ sung bằng cách yêu cầu mã xác thực. Mã này được tạo bởi một ứng dụng, được phân phối qua SMS hoặc email và chỉ có hiệu lực trong một thời gian ngắn. Nếu không có mã, hacker sẽ không thể truy cập vào tài khoản ngay cả khi biết mật khẩu của người dùng. Bất kỳ tài khoản nào chứa dữ liệu nhạy cảm đều nên bật 2FA.

Một trong những kiểu xác minh phổ biến nhất là dựa trên SMS, khi đó 2FA sẽ gửi một mã xác thực đến thiết bị di động của người dùng qua tin nhắn văn bản. Một loại xác thực 2FA khác là yêu cầu người dùng tải xuống ứng dụng tạo mã. Cũng có loại xác thực sử dụng thiết bị vật lý như khóa USB hoặc thẻ thông minh để tạo mã.

Thường xuyên cập nhật phần mềm

Tin tặc có thể lợi dụng lỗi bảo mật của các các phần mềm lỗi thời để truy cập thiết bị hoặc dữ liệu cá nhân của người dùng. Bản cập nhật mới thường khắc phục lỗ hổng bảo mật và tăng cường bảo mật tổng thể giúp người dùng sử dụng phần mềm an toàn hơn.

Do đó, người dùng nên thường xuyên kiểm tra và cập nhật các bản nâng cấp phần mềm cho hệ điều hành, trình duyệt trực tuyến và ứng dụng dành cho thiết bị di động. Ngoài ra nên lưu ý, các phần mềm lỗi thời hoặc không được hỗ trợ có thể không nhận được các bản cập nhật bảo mật và chỉ nên tải phần mềm từ các nguồn đáng tin cậy.

Sử dụng phần mềm diệt virus

Để bảo vệ danh tính khi sử dụng internet, người dùng nên sử dụng phần mềm diệt virus đáng tin cậy. Phần mềm diệt virus có khả năng phát hiện và loại bỏ các phần mềm độc hại, phần mềm gián điệp và các phần mềm nguy hiểm khác. Không chỉ thế, nó còn hỗ trợ bảo vệ người dùng, hạn chế nguy cơ bị tấn công mạng.

Người dùng nên chọn phần mềm diệt virus từ nhà cung cấp đáng tin cậy và cập nhật các bản sửa lỗi mới nhất. Để loại bỏ rủi ro, người dùng nên thường xuyên kiểm tra các thiết bị để tìm phần mềm độc hại và các hoạt động bất thường.

Tuấn Huy (T/H)