Xe

4 trang bị an toàn trên ô tô hay bị sử dụng sai

  • Tác giả : Tuấn Huy (T/H)
Hệ thống an toàn trên ô tô đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ tài xế và hành khách. Tuy nhiên, rất nhiều tài xế vẫn chưa tận dụng và khai thác hết công dụng của những hệ thống này, hoặc thậm chí sử dụng chưa đúng cách.

Cài dây an toàn không đúng cách

Dây đai an toàn là một trong những yếu tố quan trọng không thể thiếu trên mỗi chiếc ô tô, giúp ngăn chặn quán tính của người ngồi trong trường hợp va đập vào phía trước, giảm thiểu chấn thương và bảo vệ tính mạng của người lái và hành khách. Tuy nhiên, để dây đai an toàn có hiệu quả, việc thắt dây đai đúng cách là vô cùng quan trọng.

Nhiều người có thói quen không thắt dây an toàn vì cho rằng hệ thống túi khí xung quanh sẽ đảm bảo an toàn cho họ. Tuy nhiên, thực tế là nếu không thắt dây an toàn đúng cách, theo quy định của nhà sản xuất ô tô, hệ thống túi khí sẽ không hoạt động hiệu quả khi xảy ra va chạm. Do đó, thắt dây an toàn theo hướng dẫn từ nhà sản xuất là điều cực kỳ quan trọng để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người đi cùng.

Tắt hệ thống cảnh báo an toàn trên ô tô

Hệ thống cảnh báo an toàn trên ô tô gồm nhiều thiết bị cảnh báo khác nhau. Trong đó cảnh báo điểm mù và cảnh báo va chạm thường xuyên bị người dùng tắt do điều kiện giao thông thường xuyên tắc đường, hay có xe máy di chuyển qua các góc khó quan sát.

Việc tắt hoàn toàn hệ thống cảnh báo an toàn là việc không nên vì nó hỗ trợ rất nhiều trong các trường hợp khó quan sát khi lái xe.

Ngày nay, một số hãng ô tô đã cải tiến hệ thống cảm biến này bằng cách cho phép điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện giao thông. Do đó, thay vì tắt hẳn hệ thống cảnh báo, chủ xe có thể chọn nhiều cách cài đặt hệ thống trên gương hay hiển thị nhắc nhở trên màn hình.

Hệ thống cảnh báo quá tốc độ

Hiện nay, nhiều dòng ô tô được trang bị hệ thống cảnh báo quá tốc độ để hỗ trợ tài xế trong việc duy trì tốc độ an toàn trên các đoạn đường. Thông tin về tốc độ giới hạn trên các đoạn đường thường được cập nhật sẵn trên hệ thống định vị của ô tô. Khi hệ thống định vị phát hiện xe đang chạy quá tốc độ giới hạn, hệ thống sẽ cảnh báo tài xế bằng âm thanh thông qua loa trên xe.

Tuy nhiên, hệ thống định vị GPS trên ô tô thường không luôn đạt độ chính xác tuyệt đối và tốc độ xử lý thông tin của nó có thể chậm. Điều này có thể dẫn đến chênh lệch tốc độ từ 5 - 10km/giờ so với thực tế, gây phiền toái cho tài xế bị xử phạt hoặc gây nguy hiểm khi vượt quá tốc độ an toàn. Vì vậy, để đảm bảo việc di chuyển với tốc độ an toàn, tài xế nên nhìn vào đồng hồ trung tâm kết hợp với quan sát biển báo giới hạn tốc độ trên đường.

Một số dòng ô tô cao cấp hiện nay cũng được trang bị hệ thống nhận diện biển báo. Nhờ đó, khi kết hợp với đồng hồ đo tốc độ, ô tô có thể tự động kiểm soát tốc độ phù hợp với từng đoạn đường theo quy định, tăng cường tính an toàn và tiện ích cho người lái.

Hiểu sai thông báo cảm biến áp suất lốp

Cảm biến áp suất lốp thực hiện nhiệm vụ kiểm soát áp suất bên trong bánh xe. Bánh xe quá mềm hay quá căng đều có thể gây nguy hiểm trong quá trình di chuyển. Cảm biến áp suất lốp giúp kiểm soát áp suất hơi bên trong lốp xe ở mức phù hợp. Nếu có bất thường cảm biến sẽ cảnh báo đến chủ xe, hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn.

Nhiều chủ xe thắc mắc vì sao đã bơm lốp nhưng xe vẫn hiện thông báo kiểm tra áp suất bánh xe. Trên thực tế, xe phải di chuyển một đoạn đường, áp suất bánh xe mới được đo lại. Khi đó cảnh báo trên bảng đồng hồ mới biến mất.

Nếu di chuyển một quãng đường ngắn sau khi bơm nhưng cảnh báo vẫn tiếp tục gửi đến người dùng thì đây là một dấu hiệu cho thấy cảm biến áp suất lốp bị lỗi.

Tuấn Huy (T/H)