Sức khỏe mới

4 nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khi đã tiêm đủ 2 mũi văcxin

  • Tác giả : Thúy Nga
Hiện nhiều tỉnh thành ghi nhận nhiều ca F0 từ vùng dịch phía Nam về đã tiêm đủ 2 liều văcxin.

Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế thuộc Đại học Công nghệ Sydney, chuyên gia về dịch tễ học và thống kê thuộc Đại học Notre Dame (Úc), văcxin COVID-19 không có hiệu năng ngăn ngừa 100% nhiễm COVID.

Số liệu ở tiểu bang New South Wales Úc (NSW, hơn 5 triệu dân) là nơi có tỉ lệ dân chúng tiêm chủng văcxin cao nhất (hơn 80%). Tính từ tháng 3/2021 đến giữa tháng 9/2021, có 317 người bị nhiễm nCov sau khi đã tiêm đủ 2 liều văcxin, gọi là “ nhiễm đột phá”.

Nhưng số liệu này không cho biết nhiễm xảy ra bao lâu sau khi tiêm, và nguy cơ chính xác là bao nhiêu. Tuy nhiên, trong số hơn 4 triệu người được tiêm chủng, mà chỉ có 317 người bị nhiễm thì nguy cơ quả là thấp.

 Theo một nghiên cứu quan trọng công bố trên tập san y khoa NEJM, trong số 1497 nhân viên y tế được tiêm đầy đủ 2 liều văcxin, có 39 người bị nhiễm COVID-19, tỉ lệ là 2.6%.

Có thể nói nguy cơ nhiễm đột phá là khá cao, nhưng cần phải chú ý rằng đây là những người có nguy cơ cao (họ là bác sĩ, y tá), còn người ngoài ngành y thì xác suất nhiễm thấp hơn nhiều (chừng 1 phần 1000). Tất cả những người bị nhiễm đều nhẹ và bình phục sau đó, không ai cần phải nhập viện.

nguy-co-lay-nhiem-sau-tiem.jpg

Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, có 4 nguy cơ nhiễm đột phá sau tiêm là:

Hệ miễn dịch suy yếu, nhất là những người mắc các bệnh nền liên quan đến hệ miễn dịch.

Do virus đột biến thành các biến thể mới mà văcxin không ngăn ngừa được.

Loại văcxin được tiêm, vì hiệu quả văcxin rất khác nhau.

Thời gian sau khi tiêm, thời gian càng lâu thì nguy cơ càng tăng.

Nghiên cứu tại Anh cho thấy, trong thời gian 6 tháng ( từ 2/1/2021 đến 2/7/2021) ghi nhận 51,281 ca tử vong liên quan đến COVID-19. Trong số này có 640 người (tức 1.2%) đã được tiêm chủng văcxin đầy đủ.

Tỉ lệ tử vong liên quan đến COVID-19 ở người được tiêm 2 liều văcxin (trong vòng 21 ngày sau khi tiêm chủng) là 1.6%. Tỉ lệ này ở người không tiêm văcxin là 37.4%. Như vậy, văcxin rõ ràng là có hiệu quả giảm nguy cơ tử vong.

3 yếu tố chính nguy cơ tử vong sau tiêm chủng là: Cao tuổi, nam giới, và bệnh nền. Tuổi trung bình ở những người qua đời là 82-84 tuổi và họ thường có những bệnh nền. Nam có nguy cơ tử vong cao hơn nữ. Những người có bệnh làm cho hệ miễn dịch bị suy yếu.

Do đó, dù đã tiêm văcxin, chúng ta vẫn phải thực hành giãn cách xã hội và có những biện pháp giảm lây nhiễm ở những nơi đông người.

Thúy Nga