Không điều chỉnh cảm xúc, thường xuyên tức giận
Cảm xúc giận dữ có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của chúng ta theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn như cơn giận bộc phát có thể gây hại cho sức khỏe của trái tim Bác sĩ y khoa Chris Aiken giảng viên tâm thần học lâm sàng tại Trường Y thuộc Đại học Wake Forest, Bắc Carolina, Mỹ cho biết: “Trong hai giờ sau cơn giận dữ bộc phát, nguy cơ bị đau tim sẽ tăng gấp đôi”.
Bác sĩ Aiken cho biết: “Trên thực tế, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người dễ tức giận có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao gấp đôi so với những người ít giận dữ hơn”.
Ngoài ra, một nghiên cứu khác chỉ ra rằng trong 2 giờ sau khi cơn giận dữ bộc phát nguy cơ mắc đột quỵ nhồi máu não và xuất huyết não có thể cao gấp 3 lần. Đối với những người mắc chứng phình động mạch não, nguy cơ vỡ túi phình động mạch có thể tăng cao gấp 6 lần sau cơn tức giận.
Tức giận, căng thẳng có mối liên hệ rất chặt chẽ với sức khỏe tổng thể. GS.TS Mary Fristad, giáo sư tâm thần học và tâm lý học tại Đại học bang Ohio, Mỹ cho biết căng thẳng và tức giận cũng có thể rút ngắn tuổi thọ của chúng ta, bao gồm cả việc ảnh hưởng tới sức khỏe tim mạch.
Ngoài ra, cảm xúc lo lắng và căng thẳng cũng có thể làm giảm đáng kể tuổi thọ của bạn. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người phụ nữ bị căng thẳng hoặc lo lắng có nguy cơ tử vong vì bệnh tim, đột quỵ hoặc ung thư phổi cao gấp 2 lần. Tương tự, nguy cơ tử vong sớm cao hơn gấp 3 lần đối với nam giới thường xuyên lo lắng hoặc căng thẳng.
Các nghiên cứu khác cũng nhận thấy rằng những người bi quan có nguy cơ tử vong sớm cao hơn 42% so với những người lạc quan.
Do đó, việc kiểm soát cảm xúc, giải tỏa căng thẳng lo lắng, hạn chế tức giận, cười nhiều hơn và có cái nhìn tích cực về cuộc sống chính là cơ sở để kéo dài tuổi thọ.
Thức khuya, thiếu ngủ
Thức khuya hay ngủ không đủ giấc cũng chính là thói quen mà đa số người trẻ đang mắc phải, làm tăng tốc quá trình lão hóa. Thói quen này sẽ ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác nhau trong trong cơ thể. Từ đó dẫn đến rối loạn nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, tăng tốc độ lão hóa của con người, không có lợi cho sức khỏe và thậm chí dẫn chúng ta bước gần hơn với bệnh tật.
Do đó, mọi người cố gắng hình thành thói quen đi ngủ sớm, ngủ đủ giấc để trì hoãn quá trình lão hóa. Việc đi ngủ sớm sẽ giúp cơ thể giảm một nửa nguy cơ mắc bệnh cảm lạnh, cúm, đồng thời giúp chống chọi lại với các bệnh như cao huyết áp, đau đầu, mệt mỏi. Ngủ sớm còn có thể tạo điều kiện phát triển trí não, giúp cơ thể trang bị một tinh thần thoải mái để bắt đầu vào guồng quay mới của công việc ngày hôm sau, nâng cao sự tập trung hiệu quả trong công việc với một tinh thần minh mẫn, sáng suốt.
Ăn uống thất thường gây giảm tuổi thọ
Một ngày thông thường chúng ta ăn 3 bữa chính, hầu hết các bữa ăn sẽ vào giờ giấc cụ thể nhưng cũng không ít người vì bận rộn mà ăn uống thất thường, ăn sớm, ăn muộn, thậm chí bỏ bữa. Tưởng rằng thói quen này vô hại nhưng nó lại ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe.
Việc ăn uống thất thường không đúng bữa sẽ ảnh hưởng đến nhịp sinh học cơ thể, khiến quá trình trao đổi chất bị cản trở. Thói quen này khiến cơ thể không hấp thụ được tối đa chất dinh dưỡng cần thiết, làm hệ miễn dịch suy giảm, những bệnh về đường tiêu hóa, tiểu đường....có cơ hội bùng phát. Đây là nguyên nhân khiến sức khỏe sa sút, giảm sức đề kháng, suy giảm tuổi thọ.