Y học và đời sống

3 dấu hiệu báo động tai biến nhồi máu cơ tim

Bệnh mạch vành tim có tỷ lệ tử vong cao ở người cao tuổi. Nhưng rất buồn là các dấu báo động trước khi cơn tai biến nhồi máu cơ tim xảy ra thường bị bỏ qua. Do vậy, người bệnh cần nhận biết được các dấu hiệu này ngay khi chúng xuất hiện, để có biện pháp xử trí cấp cứu kịp thời:

Ảnh minh họa.

 Cơ địa thuận lợi: Bệnh mạch vành tim thường xảy ra ở nam giới trên 50 tuổi hoặc ở phụ nữ đã mãn kinh sẵn có các yếu tố nguy cơ dẫn tới bệnh xơ vữa động mạch như hút thuốc lá, tăng cholesterol máu, tiểu đường, tăng huyết áp, căng  thẳng thần kinh tâm lý, di truyền.

Yếu tố khởi phát:Thông thường, cơn đau xuất hiện sau một động tác cố gắng thể lực, đặc biệt khi bệnh nhân bị lạnh hoặc sau khi ăn no. Ở các bệnh nhân đã từng kinh qua các cơn đau thắt ngực khi thấy cường độ đau tăng dần và kéo dài thì phải xem là dấu hiệu báo động đòi hỏi phải cấp cứu y tế ( đặt bóng nong, đăt giá đỡ ở vi trí bị chít hẹp, hoặc phẫu thuật nối bắc cầu).

Vị trí đau: Đau xuất hiện sau xương ức, vùng đau rộng hơn lòng bàn tay. Đau có thể lan lên phía hàm dưới, răng, lưng, cánh tay cho tới cổ tay. Đau có cảm giác như ngực bị đè nén, bó chẹt. Đôi khi cũng có cảm giác bỏng rát…Cơn đau biến mất sau vài phút khi sử dụng thuốc giãn mạch vành Trinitrine ( dưới dạng thuốc xịt, hoặc viên ngậm). Trường hợp không đáp ứng với trinitrine cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay vì có thể là nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, người bệnh còn cảm thấy khó thở,  tim đập hồi hộp, ho, nấc, rối loạn tiêu hóa hoặc cảm giác khó chịu

Nhận biết sớm được cơn đau thắt ngực do tim, có tác dụng giảm thiểu nguy cơ dẫn đến tai biến: bệnh nhân cần được  xử trí tích cực trong vòng 15 – 30 phút khi xuất hiện triệu chứng báo động.

 BS Lê Quang Hồng

(Nguyên giám đốc Bệnh viện Bưu điện)

Từ Khoá