Trong nước

2 người đang khỏe thì... sốc tim do nhồi máu: Cách phát hiện sớm

  • Tác giả : Thúy Nga
Với người bệnh nhồi máu cơ tim, thời gian vàng để cứu quả tim là 12 giờ đầu và thủ thuật mang lại hiệu quả cao nhất là trong 3 giờ đầu tiên. Việc phát hiện và cấp cứu sớm là cơ hội cứu sống người bệnh.

Mới đây, hai trường hợp bị nhồi máu cơ tim cấp trong tình trạng nguy kịch đã được đội ngũ bác sĩ khoa Nội Tim Mạch Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An thực hiện báo động đỏ liên viện điều trị can thiệp thành công.

Đang khỏe mạnh nhồi máu cơ tim cấp, biến chứng choáng tim

Trường hợp thứ nhất là ông L.V.U. 54 tuổi ngụ tại Long An, trong lúc đang sinh hoạt bình thường thì ông đột ngột lên cơn nặng ngực dữ dội, kèm mệt, vã mồ hôi. Người nhà đã nhanh chóng đưa ông U. đến cơ sở y tế gần nhà để cấp cứu.

Tại đây, người bệnh được chẩn đoán Nhồi máu cơ tim cấp, biến chứng choáng tim, rối loạn nhịp chậm. Các nhân viên y tế tại đây đã ngay lập tức đưa thông tin lên Nhóm cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An và các Cơ sở Y tế trong khu vực. Sau khi trao đổi nhanh thông tin và hình ảnh, người bệnh được chuyển tới Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An để tiến hành can thiệp cấp cứu.

2 người đang khỏe thì... sốc tim do nhồi máu: Cách phát hiện sớm ảnh 1 2 người đang khỏe thì... sốc tim do nhồi máu: Cách phát hiện sớm ảnh 2

Hình ảnh trước và sau can thiệp của bệnh nhân u - Ảnh BVCC

Trong lúc đó, quy trình báo động đỏ toàn viện cũng được kích hoạt, các bộ phận trong quy trình can thiệp cấp cứu chuẩn bị sẵn sàng. Ngay khi đón người bệnh, các bác sĩ đã chỉ định chụp mạch vành, kết quả cho thấy người bệnh tắc hoàn toàn đoạn gần của động mạch vành phải, chỉ định can thiệp nong và đặt stent tại vị trí tắc mạch.

Ekip bác sĩ khoa Nội tim mạch BVĐK Xuyên Á đã tiến hành can thiệp nong và đặt stent, ngay sau can thiệp, dòng máu đã được tái thông tốt. Như vậy, nhờ can thiệp cấp cứu kịp thời thời mà người bệnh đã thoát khỏi giai đoạn nguy hiểm, hồi phục rất tốt và đã được xuất viện chỉ vài ngày sau đó.

Tương tự, BVĐK Xuyên Á Long An cũng vừa cấp cứu thành công một trường hợp sốc tim nhờ quy trình báo động đỏ liên viện.

Người bệnh là bà N.T.G, 86 tuổi, ngụ tại Long An. Khi đang sinh hoạt bình thường với gia đình thì bà cảm thấy nặng ngực, mệt lả người, mất ý thức, tiêu tiểu không tự chủ. Sau được đưa vào cấp cứu bệnh viện gần nhà, người bệnh được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp vùng thành dưới giờ thứ 3, biến chứng sốc tim, rối loạn nhịp chậm. Thông qua Nhóm cấp cứu của các cơ sở y tế tại Long An, người bệnh được hội chẩn nhanh và quyết định đưa tới BVĐK Xuyên Á Long An thực hiện can thiệp.

Kết quả chụp mạch vành ghi nhận tắc hoàn toàn đoạn giữa động mạch vành phải. Với bệnh cảnh này, các bác sĩ khoa Nội tim mạch BVĐK Xuyên Á Long An đã quyết định thực hiện can thiệp nong và đặt stent tại vị trí tổn thương tắc mạch. Ca can thiệp đã được diễn ra nhanh chóng với kết quả thành công tốt đẹp. Những triệu chứng nặng ngực của người bệnh đã cải thiện nhanh chóng, sức khoẻ ổn định và được xuất viện sau vài ngày theo dõi.

2 người đang khỏe thì... sốc tim do nhồi máu: Cách phát hiện sớm ảnh 3 2 người đang khỏe thì... sốc tim do nhồi máu: Cách phát hiện sớm ảnh 4

Hình ảnh trước và sau can thiệp của bệnh nhân G - Ảnh BVCC

80% tử vong cần phát hiện sớm

BS.CKII Nguyễn Đỗ Anh, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết: “Nhồi máu cơ tim cấp là nguyên nhân ngừng tim ngoại viện thường gặp nhất ở bệnh nhân lớn tuổi. Nếu không được phối hợp liên chuyên khoa tim mạch kịp thời, người bệnh có nguy cơ tử vong rất cao do rối loạn nhịp thất và choáng tim. Việc tái tưới máu thành công động mạch vành bị tắc nghẽn đóng vai trò tiên quyết để cứu sống người bệnh”.

“Đối với người bệnh ngưng tim do nhồi máu cơ tim cấp ngoại viện, việc can thiệp động mạch vành, phối hợp các phương thức hồi sức tim mạch chuyên sâu như VA-ECMO, hạ thân nhiệt, lọc máu liên tục… sẽ giúp ổn định nhanh chóng huyết động, bảo vệ não sau ngưng tim kéo dài và tránh nguy cơ suy chức năng tạng tiến triển.

Đặc biệt ở người bệnh lớn tuổi, tỉ lệ tử vong có thể lên đến 80%. Khả năng phục hồi chức năng não và các tạng sau ngưng tim phụ thuộc vào thời gian ngưng tim và hiệu quả của các phương pháp hồi sức.

Thông thường, các tế bào não sẽ bị tổn thương không hồi phục sau 4 phút ngưng tim. Y văn trên thế giới báo cáo phần lớn những trường hợp cao tuổi sống còn sau ngưng tim sẽ có rối loạn chức năng não hay rối loạn nhận thức, thậm chí chết não vĩnh viễn nếu thời gian ngừng tim kéo dài”. ThS.BS Võ Văn Trắng – Đơn vị Hồi sức tích cực tim mạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định thông tin

Hình ảnh bác sĩ thăm khám tình trạng của bệnh nhân G - Ảnh BVCC

Hình ảnh bác sĩ thăm khám tình trạng của bệnh nhân G - Ảnh BVCC

ThS.BS. Nguyễn Công Vân, Trưởng khoa Nội Tim Mạch, bệnh viện Xuyên Á nhấn mạnh: Với người bệnh nhồi máu cơ tim, thời gian là tất cả, can thiệp tim mạch là cách tốt nhất để giúp bác sĩ chạy đua với thời gian trong việc cứu sống người bệnh.

Thời gian vàng để cứu quả tim là 12 giờ đầu và thủ thuật mang lại hiệu quả cao nhất là trong 3 giờ đầu tiên. Can thiệp cấp cứu kịp thời sẽ giúp giảm nguy cơ tử vong gấp nhiều lần, đồng thời cũng giảm đáng kể các biến chứng nặng về tim mạch sau này cho người bệnh.”

Nhồi máu cơ tim cấp thường là kết quả của sự tắc nghẽn của hệ thống mạch vành. Tắc nghẽn có thể do sự hình thành mảng xơ vữa tại chỗ với thành phần chủ yếu là chất béo, cholesterol và sản phẩm thải của tế bào hoặc do huyết khối từ nơi khác đến làm giảm đột ngột dòng máu đến tim.

Dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim cấp

Tim đập nhanh: Tim đập theo một nhịp ổn định, nhất quán để máu di chuyển khắp cơ thể một cách tốt nhất. Nếu tim đập nhanh, nó có thể là dấu hiệu cảnh báo cơn đau tim. Tim đập nhanh do đau tim có thể tạo ra cảm giác bất an, lo lắng, đặc biệt là ở phụ nữ. Một số người mô tả tim đập nhanh là cảm giác tim đập thình thịch ở cổ, không chỉ ở ngực.

Không nên bỏ qua những thay đổi trong nhịp tim, bởi vì khi tim thường xuyên bị mất nhịp, nó cần có sự can thiệp của y tế để trở lại bình thường. Nếu tình trạng đánh trống ngực kèm theo chóng mặt, tức ngực, đau ngực hoặc ngất xỉu, chúng có thể là dấu hiệu cho thấy một cơn nhồi máu cơ tim đang xảy ra.

Đau ngực, áp lực và khó chịu: Hầu hết bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim đều cảm thấy đau hoặc khó chịu ở ngực. Nhưng tình trạng này không xảy ra với mọi cơn đau tim. Nhiều người mô tả đau ngực giống như cảm giác bị một con voi đứng ngay trên ngực của họ.

Một số khác cảm thấy tức hoặc như bị bóp ở ngực. Đôi khi, đau ngực gây khó chịu trong vài phút và sau đó biến mất. Nó có thể quay lại sau vài tiếng hoặc một ngày. Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu cho thấy cơ tim không nhận đủ oxy.

Nếu cảm thấy tức hoặc nghẽn ngực, hãy gọi cấp cứu để được hỗ trợ ngay lập tức.

Đau các bộ phận khác: Tình trạng đau và căng tức cũng có thể lan ra các vùng khác của cơ thể như cánh tay trái, bụng trên, vai, lưng, cổ, họng, răng, hàm.

Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, cơn đau có thể không tập trung ở ngực. Người bệnh có thể cảm thấy như có áp lực trong ngực và đau ở các bộ phận khác của cơ thể. Đau lưng trên là một triệu chứng mà phụ nữ thường mặc phải hơn nam giới khi bị nhồi máu cơ tim.

Chóng mặt: Hoa mắt và chóng mặt có thể xảy ra khi bị nhồi máu cơ tim và thường là các triệu chứng phổ biến ở phụ nữ. Một số người cho biết họ cảm thấy như có thể bị ngất xỉu nếu cố gắng đứng dậy hoặc làm quá sức. Đây chắc chắn không phải là một cảm giác bình thường, vì vậy bạn không nên bỏ qua nó.

Mệt mỏi: Mệt mỏi có thể là một biểu hiện nhồi máu cơ tim ít được nhận biết. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, một số phụ nữ nghĩ rằng các triệu chứng đau tim của họ giống như các triệu chứng cúm.

Nhồi máu cơ tim có thể gây kiệt sức do tim phải cố gắng bơm căng hơn trong khi một vùng máu bị tắc nghẽn. Nếu thường xuyên cảm thấy mệt mỏi hoặc kiệt sức mà không rõ lý do, đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn gặp các vấn đề về tim mạch.

Mệt mỏi và khó thở phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới và có thể bắt đầu vài tháng trước khi bị nhồi máu cơ tim. Do đó, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt khi có dấu hiệu mệt mỏi kéo dài.

Đối tượng có nguy cơ nhồi máu cơ tim

Trước đây, người ta cho rằng người ở độ tuổi trung niên nam trên 45 tuổi, nữ trên 50 có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim, tuy nhiên gần đây không ít người trẻ cũng bị nhồi máu cơ tim mặc dù tỷ lệ ít hơn. Những người đã có tiền sử bị nhồi máu cơ tim rồi thì rất dễ bị lại.

- Những người có tiền sử gia đình có nhồi máu cơ tim sớm như bố hoặc anh trai có nhồi máu cơ tim dưới 55 tuổi và mẹ hoặc chị gái có nhồi máu cơ tim dưới 65 tuổi.

- Người bệnh đái tháo đường: Với người đái tháo đường nguy cơ nhồi máu cơ tim cao được tính là tương đương với người đã từng bị nhồi máu cơ tim trước đó.

- Những người bị các bệnh rối loạn mỡ máu, huyết áp cao, hút thuốc lá, béo phì, ít hoạt động thể lực cũng có nguy cơ cao dễ bị nhồi máu cơ tim.

Thúy Nga