Sỏi trú ngụ trong nhiều bộ phận của cơ thể
BSCKII Phạm Huy Huyên, Phó Chủ tịch Hội Thận – Tiết niệu miền Bắc, Trưởng Khoa Ngoại Bệnh viện Thu Cúc cho biết, sỏi tiết niệu là tình trạng xuất hiện những khối rắn trong đường niệu, bởi vậy bệnh còn được gọi với tên gọi khác là sỏi đường tiết niệu. Hệ tiết niệu của con người gồm hai thận, hai niệu quản hai bên, bàng quang và cuối cùng là niệu đạo. Khi sỏi xuất hiện tại bất kỳ vị trí nào của hệ tiết niệu nghĩa là đã mắc sỏi tiết niệu. Như vậy, sỏi tiết niệu bao gồm sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và sỏi niệu đạo.
Đa phần những “viên sỏi” này được kết tinh tại thận, sau đó theo dòng nước tiểu di chuyển đến các vị trí khác trên đường niệu như niệu quản (chiếm 28%), bàng quang (chiếm 26%), niệu đạo (chiếm 4%).
Sỏi tiết niệu có nhiều nguyên nhân. Sự hình thành sỏi thường do các muối khoáng hòa tan (canxi, oxalat, urat...) trong nước tiểu. Khi xuất hiện những rối loạn về mặt sinh lý bệnh kết hợp những yếu tố thuận lợi, như giảm lưu lượng nước tiểu, nhiễm khuẩn tiết niệu, thay đổi pH nước tiểu, dị dạng đường niệu, yếu tố di truyền,... thì các muối khoáng hòa tan sẽ kết tinh, hình thành một nhân nhỏ, sau đó lớn dần thành sỏi tiết niệu.
Những người dễ mắc sỏi tiết niệu là: Những người có bất thường bẩm sinh đường tiết niệu; Gia đình có người mắc sỏi tiết niệu; Bản thân từng trải qua can thiệp đường tiết niệu; Bị viêm đường tiết niệu nhiều lần; Người uống ít nước, đặc biệt là người cao tuổi; Người nằm bất động lâu ngày; Người bị mắc các bệnh lý rối loạn chuyển hóa (toan chuyển hóa mạn, tăng canxi niệu...); Đang sử dụng một số thuốc; Người lao động trong môi trường nóng bức; Người có thói quen thường xuyên nhịn tiểu...
Theo thöëng kế, Việt Nam được coi là một trong những nước nằm trong “vùng sỏi” với tỷ lệ mắc sỏi tiết niệu lên tới gần 12% dân số.
50 – 70% người dân phải mổ mở vì thiếu hiếu biết
BSCKII Phạm Huy Huyên, Việt Nam là nước nằm trong “vùng sỏi”, nghĩa là có tỷ lệ mắc sỏi tiết niệu cao trên thế giới. Tuy nhiên, việc ứng dụng tiến bộ y học hiện đại trong căn bệnh này đối với đại chúng Việt Nam lại ở mức thấp, dẫn đến những hệ quả rất đáng tiếc như thương tật cho cơ thể, thiệt hại về kinh tế. Ở những nước phát triển, người dân đã chủ động điều trị sỏi ngay khi mới phát hiện bằng phương pháp tán sỏi không phẫu thuật, chỉ sau 30 phút mà không có bất kỳ can thiệp gây đau đớn nào đã loại bỏ được mối nguy cho sức khỏe. Chính vì vậy, tỷ lệ phải mổ mở lấy sỏi khi có biến chứng chỉ chiếm từ 5 – 10%. Ngược lại, ở Việt Nam, con số này lên tới 50 – 70%.
Một ca mổ mở điều trị biến chứng của sỏi ước tính tốn hàng chục triệu cùng với những hệ lụy khó lường với sức khỏe. Chưa kể những chi phí mà trong quá trình trì hoãn điều trị ngoại khoa, bệnh nhân tìm đến các phương pháp điều trị chưa được chứng minh hiệu quả khác. Cũng không ước tính được hết những tổn hại về tinh thần khi giữ mối đe dọa về sức khỏe trong nhiều năm.
Theo BSCKII Phạm Huy Huyên, đau là biểu hiện hay gặp nhất khi mắc sỏi tiết niệu. Tùy vị trí sỏi hình thành mà có các biểu hiện khác nhau, từ không có triệu chứng (bệnh nhân tình cờ phát hiện sỏi khi đi khám) đến những triệu chứng rất rầm rộ:
Đau: Đau vùng thắt lưng có thể âm ỉ kéo dài hoặc thành cơn đột ngột dữ dội, lan ra phía trước và xuống vùng bẹn sinh dục. Cơn đau có thể xuất hiện tự nhiên, nhưng thường sau vận động gắng sức, cơn đau kéo dài vài phút, có thể tự hết hoặc cần sự hỗ trợ của thuốc.
Bất thường về đi tiểu: Bệnh nhân có thể đái buốt (đái buốt cuối bãi đái hay đái buốt toàn bộ bãi đái), đái ngắt ngừng (đang tiểu bỗng nhiên bị ngừng lại, thay đổi tư thế lại tiểu được tiếp), đái khó, bí đái hoàn toàn, đái đục, đái máu (có thể nước tiểu có màu hồng đỏ hoặc chỉ phát hiện được hồng cầu trong nước tiểu nhờ xét nghiệm). Bệnh nhân có thể có sốt do nhiễm khuẩn.
Điều nguy hiểm là các biến chứng của sỏi tiết niệu: Sỏi di chuyển, cọ xát vào niêm mạc đường niệu gây phù nề, chảy máu, là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập, gây viêm đường tiết niệu; Sỏi kẹt lại ở vị trí hẹp, gây bí đái cấp hoặc mạn; Chức năng thận của bệnh nhân có thể bị suy giảm, khiến bệnh nhân bị suy thận cấp hoặc mạn, nhiều bệnh nhân phải mổ cắt cả quả thận vì sỏi làm mất chức năng thận.
Vì vậy, người dân nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm sỏi. Sỏi tiết niệu hoàn toàn có thể điều trị được, hiệu quả nhất là khi sỏi còn nhỏ. Nếu sỏi đã lớn, gây nhiều biến chứng, việc điều trị sẽ trở nên khó khăn, phức tạp, chi phí tốn kém, ảnh hưởng lớn tới kết quả cuối cùng cũng như chất lượng cuộc sống người bệnh.
Để phòng tránh sỏi tiết niệu, mỗi người nên thực hiện lối sống lành mạnh, chế độ ăn lành mạnh kết hợp tập luyện hợp lý: Uống đủ nước mỗi ngày; Giữ vệ sinh tốt, tránh nhiễm khuẩn tiết niệu; Tránh thói quen nhịn tiểu; Chăm vận động, tập luyện thể dục thể thao...