Yêu

10 năm khổ sở chung sống với sa sinh dục được phẫu thuật giải thoát

  • Tác giả : Thúy Nga
Sa sinh dục là tình trạng tử cung và các cơ quan vùng chậu tụt xuống khỏi vị trí giải phẫu bình thường gây ra nhiều rối loạn khổ sở cho chị em. Phẫu thuật thành công sẽ giúp chị em thoát khỏi những nỗi khổ sở khó nói.

Ngày 4/4, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân sa sinh dục độ 4 phức tạp đã phải sống chung với bệnh suốt 10 năm.

Sống chung với sa hậu môn, trực tràng suốt 10 năm

Bệnh nhân nữ, 50 tuổi, đến từ Bắc Giang, đã lựa chọn sống chung với bệnh suốt 10 năm vì chưa sẵn sàng tâm lý để mổ. Ca phẫu thuật do ThS.BSCKII Đỗ Khắc Huỳnh, Phó Giám đốc bệnh viện – trực tiếp thực hiện, đã đánh dấu một bước “giải thoát” quan trọng cho người bệnh, giúp hồi phục cả về chức năng lẫn chất lượng sống.

Sa sinh dục là tình trạng tử cung và các cơ quan vùng chậu (bàng quang, trực tràng...) tụt xuống khỏi vị trí giải phẫu bình thường. Bệnh thường gặp ở phụ nữ trung niên, đặc biệt sau mãn kinh, gây ra nhiều rối loạn như: nặng tức vùng chậu, són tiểu, táo bón, đau khi quan hệ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hằng ngày.

Bệnh nhân trong ca phẫu thuật này đã được xác định ở mức độ nặng nhất – độ 4, kèm theo sa bàng quang và sa trực tràng, gọi chung là sa toàn bộ tạng chậu. Ngoài ra, kết quả thăm khám còn phát hiện vòng tránh thai đã lạc sâu vào cơ tử cung, khiến tình trạng càng thêm phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ viêm nhiễm, tổn thương tử cung và các tạng xung quanh.

Sau khi hội chẩn chuyên môn, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật với phương pháp Crossen – cắt tử cung hoàn toàn qua đường âm đạo. Ca mổ được ThS.BSCKII Đỗ Khắc Huỳnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội – thực hiện.

- Bóc tách và cắt bỏ tử cung.

- Tạo hình lại thành trước, thành sau âm đạo.

- Khâu phục hồi cơ nâng sàn chậu giúp nâng đỡ lại các tạng chậu, phục hồi chức năng sinh lý và ngăn ngừa tái phát.

- Treo đính bàng quang.

- Phẫu thuật thẩm mỹ cắt bỏ vạt da thừa tầng sinh môn, âm hộ, âm đạo, thu gọn âm đạo.

Ca phẫu thuật diễn ra an toàn, thành công. Bệnh nhân hồi phục tốt, không có biến chứng hậu phẫu và đã được xuất viện trong tình trạng ổn định.

ThS.BSCKII Đỗ Khắc Huỳnh cho biết, rất nhiều phụ nữ phát hiện sa sinh dục nhưng lựa chọn “sống chung với bệnh” vì lo ngại phẫu thuật hoặc thiếu thông tin. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nặng, gây biến chứng và ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống.

60% phụ nữ trên 50 tuổi bị sa tử cung

ThS.BS Nguyễn Hữu Hoài, Phó trưởng khoa Phụ ngoại, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cho biết, theo thống kê chung, có tới gần 40% phụ nữ trên 40 tuổi đến khám phụ khoa bị són tiểu, 50% phụ nữ trên 50 tuổi bị sa bàng quang, tử cung, sa ruột vào trong âm đạo. Trong đó, cứ 5 người thì có một người bị sa từ 2 cơ quan trở lên.

Phụ nữ từ 50 tuổi trở đi có tỷ lệ mắc bệnh sa tử cung lên đến 60% từ nhẹ đến nặng, cao hơn nhóm phụ nữ trẻ tuổi mang thai. Triệu chứng chung là són tiểu, tiểu rắt, tiểu khó, phát hiện các khối sa bất thường, gây khó khăn cho phụ nữ trong cuộc sống sinh hoạt, nguy cơ viêm nhiễm sinh dục.

Ảnh BVCC

Ảnh BVCC

Theo ThS.BS Nguyễn Hữu Hoài cho biết phẫu thuật treo tử cung vào dải chậu lược là một kỹ thuật tiên tiến trong điều trị sa sinh dục. Phương pháp có tỷ lệ thành công cao trên 95%, đồng thời tỷ lệ tái phát trong 10 năm sau phẫu thuật chỉ dưới 5%, tỷ lệ hài lòng của bệnh nhân lên đến 94,4% đồng thời giảm nguy cơ mất máu, nguy cơ nhiễm trùng rất nhiều so với mổ cắt tử cung đường dưới (theo nhiều nghiên cứu nước ngoài), ít đau, giảm thời gian và chi phí nằm viện.

Phụ nữ hồi phục sức khỏe nhanh, giảm các triệu chứng một cách rõ rệt, cải thiện chất lượng cuộc sống đặc biệt vẫn giữ được đời sống sinh hoạt vợ chồng cho những phụ nữ đang trẻ.

Trước đây, khi chưa có kỹ thuật này, những bệnh nhân sa sinh dục độ nặng phải phẫu thuật cắt tử cung đường âm đạo hoặc mổ đường bụng. Phương pháp cắt bỏ tử cung khiến phụ nữ cảm thấy thiếu tự tin, mất khả năng sinh sản và tỷ lệ tái phát sa mỏm cắt sau cắt tử cung cao hơn 3 lần so với phẫu thuật treo tử cung.

Phương pháp đặt lưới nhân tạo treo tử cung cố định vào dải chậu lược hai bên khá phức tạp, đòi hỏi tay nghề chuyên môn cao nhưng mang lại hiệu quả tốt.

Sa sinh dục không phải là điều bắt buộc phải chịu đựng. Chị em nên đi khám khi có các dấu hiệu:

- Có cảm giác nặng, tức vùng âm đạo hoặc khối sa lồi ra.

- Tiểu són, tiểu rắt, tiểu khó.

- Táo bón kéo dài

- Đau hoặc giảm khoái cảm khi quan hệ tình dục.

Đừng để bệnh sa sinh dục âm thầm chi phối cuộc sống của bạn”, ThS.BSCKII Đỗ Khắc Huỳnh khuyên.

Thúy Nga